Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phải có luật để bảo vệ nhà đầu tư"
“Các nhà đầu tư họ tin luật, không tin nghị định. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hoá, kêu gọi tư nhân đầu tư".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy tại buổi thảo luận tại Tổ về Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) diễn ra sáng nay (11/11).
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đến nay Đảng và Nhà nước đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa, tất cả nhà đầu tư đều hỏi “Các ông muốn chúng tôi đầu tư, vậy có luật pháp gì không?"
"Gỡ thể chế thì không khí đầu tư rất tốt"
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, còn vai trò của tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công. Vì thế, khi xây dựng luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển đất nước là một hướng đi hết sức cần thiết.
“Tôi đi các địa phương, người dân bức xúc về thiếu vốn đầu tư công trình, đầu tư dự án từ to đến nhỏ. Các nước phát triển đều đầu tư rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Việt Nam bây giờ vừa sản xuất, kinh doanh vừa đầu tư hạ tầng, có hàng loạt vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nói.
Mặt khác, Thủ tướng cũng nhận định nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư.
“Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nói Luật PPP ra đời là rất cấp bách.
Theo Thủ tướng, hiện nay do pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam. Thể chế bây giờ rất quan trọng.
“Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước. Thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng phân tích đồng thời dẫn câu nói của Nhà kinh tế học Robinson “một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế”.
“Đừng sợ dân giàu. Bảo về quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng”, Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng nêu ví dụ, khi quyết định danh mục đầu tư thì quyền lợi nhà nước và tư nhân đều cần được bảo đảm. Thủ tục nên thuận lợi, mang tính thị trường. “Quan điểm thị trường phải rất rõ trong luật mới được. Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nằm ở đây”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, tất cả các lĩnh vực quan trọng đều phải mở ra để thu hút doanh nghiệp, trừ những việc là yết hầu của nền kinh tế mà nhà nước phải nắm như tiền tệ, quốc phòng, an ninh… còn lại nên hư động vốn tư nhân.
Dẫn ví dụ Luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền truyền tải điện nhưng thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng muốn làm và có thể làm. Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta độc quyền quản lý chứ độc quyền cả đầu tư thì làm sao được? Tập đoàn Điện lực không có tiền, vay quá hạn mức rồi. Nếu không hiểu hết, tính hết sự đa dạng đó thì sau này cụ thể hóa sẽ vướng mắc và khó khăn”.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị luật này chỉ nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng.
Thủ tướng đề nghị Quốc hội, ưu tiên cho những vùng xa xôi, khó khăn, hướng vào vùng khó khăn để thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư cho vùng khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Một số điểm chính của dự án Luật PPP
11:32, 11/11/2019
Gỡ “nút thắt” đầu tư PPP trong giao thông
08:21, 11/11/2019
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Không áp dụng bảo lãnh cho mọi dự án PPP
04:50, 09/11/2019
“Không cơ chế chia sẻ rủi ro, rất khó hút vốn vào dự án PPP”
10:39, 17/10/2019
Dự án đầu tư không thấp hơn 200 tỷ đồng
Trình bày tờ trình dự án luật tại Hội trường sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.
Về quy mô đầu tư dự án PPP, Chính phủ cho rằng muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn. Vì vậy dự thảo luật quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.
Từ luận điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án.
Phương án 1: quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý - PV).
Phương án 2: không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về các loại hợp đồng PPP, Bộ trưởng Dũng cho biết dự thảo luật cơ bản kế thừa nghị định 63 với 7 loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.
Để bảo đảm quyền lựa chọn của người dân, người sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật (khoản 6 điều 40) quy định: đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng.
Đối với loại hợp đồng BT, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai loại hợp đồng này với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 3 cách thức. Một là bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Hai, bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác và ba là bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Đối với mỗi cách thức thanh toán thì tiêu chí đấu thầu được quy định tương ứng.