ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cháy do phát triển “nóng” hay vấn đề trách nhiệm?
Phải chăng do phát triển “nóng” nên cháy hay do trách nhiệm khi chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây đã có đến 43 vụ cháy lớn, bằng 86% của 4 năm trước.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Trong giai đoạn 2014 – 2018 chúng ta có 50 đám cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, thì có đến 43 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86% của 4 năm trước. “Phải có báo cáo tại sao trong vòng 1 năm lại tăng tới 86% số vụ cháy so với 4 năm cộng lại”, ông Nhưỡng nói.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội kiến nghị về hàng trăm chung cư, cao ốc ẩn chứa nguy cơ cháy nổ?
10:45, 13/11/2019
Hôm nay (13/11), Quốc hội thảo luận công tác phòng cháy, chữa cháy
04:00, 13/11/2019
Đại biểu Quốc hội không chỉ là người truyền tin!
18:00, 12/11/2019
Theo ông Nhưỡng, đặc biệt nổi lên 3 địa phương là TP HCM, Hà Nội và Bình Dương, trong đó Bình Dương có 10 vụ, TP HCM 6 vụ và Hà Nội 5 vụ. Ba địa phương này đứng “đầu bảng” trong 43 vụ cháy lớn. Ba địa phương này có điểm, là thủ đô, thành phố lớn nhất Việt Nam và thành phố phát triển công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Ông Nhưỡng tự đặt câu hỏi, phải chăng do phát triển “nóng quá” nên cháy hay do trách nhiệm? Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng không có nguyên nhân nào được đánh giá rõ ràng và xử lý triệt để. “Tôi đọc trong báo cáo không thấy ghi lãnh đạo, quan chức lớn nào bị xử lý; các vụ cháy lớn này rất ít khởi tố, có cảm giác xử lý người vi phạm không tương xứng với các đám cháy”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Việc truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, truy cứu trách nhiệm cá nhân, đơn vị xảy ra cháy theo ông Nhương là hoàn toàn đúng, nhưng cán bộ lãnh đạo địa phương từ tập thể đến cá nhân không thể không có trách nhiệm. Đặc biệt, chỉ có 4 HĐND ra nghị quyết, còn lại 59 tỉnh, thành phố không có nghị quyết, vậy HĐND có trách nhiệm gì không trong việc giám sát, chỉ đạo và ra nghị quyết. “Tôi đề nghị điểm này cần nghiên cứu thật sâu sắc”, ông Nhưỡng cho biết.
Vẫn theo ông Nhưỡng, nếu xét về nguyên nhân cháy nổ, thứ nhất là do con người. Thứ hai, là do thiên nhiên. Do thiên nhiên thì hoàn toàn miễn trách nhiệm, nhưng do con người thì dù cố ý hay vô ý đều phải được làm rõ trách nhiệm. Lơ là, buông lỏng quản lý là đã bị quy trách nhiệm chưa nói đến có dã tâm độc ác “phóng hỏa” trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau.
“Có cử tri phản ánh với chúng tôi, có trường hợp tự đốt chợ để phục vụ mục đích lợi ích nhóm nhằm xây chợ khác. Nếu đúng như phản ánh thì cháy không còn do sơ xuất mà do chính bản thân con người gây ra. Vậy, việc này có cần điều tra, truy tố, xét xử trước pháp luật để trừng trị hay không?”, ông Nhưỡng bức xúc.
Ông Nhưỡng cho rằng, nếu chúng ta không đặt vấn đề về trách nhiệm, ở đây không phải là đề cao trách nhiệm mà phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, địa phương các ngành để xảy ra cháy thì liệu đã xử lý nghiêm chỉnh hay chưa? Đã nghiêm túc hay chưa?. Do đó, ông Nhưỡng đề xuất cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đề cao trách nhiệm thì cần kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với vấn đề phòng cháy, chữa cháy.