TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Hộ kinh doanh phải được bình đẳng và minh bạch

Nguyễn Việt 15/11/2019 18:12

Đưa hộ kinh doanh vào luật là để bảo vệ, thúc đẩy, giúp khu vực này minh bạch hơn, đảm bảo quyền bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp khác.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 15/11.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, điểm đột phá của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đảm bảo bao trùm hơn, khi đưa các hộ kinh doanh vào là đối tượng điều chỉnh. Điều này đang là xu hướng của thế giới. Trước đây khi nói về phát triển doanh nghiệp, thường hướng đến phát triển DNNVV. Nhưng bây giờ xu thế này đã thay đổi, ngôn ngữ tại các diễn đàn trên thế giới, từ Liên Hợp Quốc trở đi đều “là phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ rất được quan tâm, từ việc kinh doanh của từng người dân trở đi”.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trở thành “ngôn ngữ” thế giới

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mỗi người dân hay doanh nghiệp siêu nhỏ đều có thể vươn ra thị trường thế giới, việc này trước đây là công việc của các doanh nghiệp lớn. Còn hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ tại Việt Nam cũng có thể bán hàng sang Hoa Kỳ hay Châu Âu thông qua thương mại điện tử. “Quy mô doanh nghiệp bây giờ không phải là điều quan trọng nhất, mà chính là chất lượng doanh nghiệp”, TS. Lộc nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp và tấm áo mới cho hộ kinh doanh

    04:50, 15/11/2019

  • Luật sư “mách kế” bảo vệ quyền của cổ đông nhỏ qua Dự thảo Luật Doanh nghiệp

    20:48, 23/10/2019

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): “Rộng cửa” cho 5 triệu hộ kinh doanh

    10:25, 20/10/2019

Vẫn theo TS. Vũ Tiến Lộc, tại tất cả các hội nghị hay diễn đàn lớn như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN…đều nói rằng, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là chủ thể của nền kinh tế toàn cầu, là xương sống của nền kinh tế mà không phải là các doanh nghiệp lớn. Tại Việt Nam, các DNNVV chiếm trên 90%, tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản… cũng như vậy. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đang trở thành yêu cầu đối với mọi quốc gia. Trong tinh thần phát triển bao trùm của Việt Nam cũng phải hướng tới yêu cầu đó.

Hiện nay, tại Việt Nam theo số liệu thống kê hiện tại đang có và sử dụng, trong khu vực tư nhân, các loại hình doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm khoảng 10%, khu vực hộ kinh doanh chiếm tới 30% GDP. “Một khu vực lớn như vậy, nhưng quy định pháp lý lại chỉ dừng ở tầm nghị định”, TS. Lộc cho biết.

TS. Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi, tại sao quyền và lợi ích của 30% nền kinh tế chỉ được quy định trong văn kiện ở tầm một nghị định? Trong khi đó, theo tinh thần Hiến pháp, công dân có quyền tự do kinh doanh. Nếu hạn chế quyền đó thì phải được quy định trong luật chứ không phải nghị định.

“Hiện nay, nghị định về hộ đưa ra rất nhiều hạn chế về quyền kinh doanh của hộ, mà lại không nằm ở tầm của luật. Điều này chưa thể đúng tinh thần của luật, của Hiến pháp. Tinh thần của Hiến pháp là mọi hạn chế đối với quyền và lợi ích của người dân thì phải được quy định trong luật. Như vậy, một khu vực chiếm tới 30% GDP và liên quan đến sinh kế hàng chục triệu người mà lại chỉ quy định ở tầm nghị định của luật là chưa thỏa đáng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ

Nói về hộ kinh doanh, Chủ tịch VCCI không đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở điểm hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, trong khi hộ kinh doanh bản chất là một hình thức của doanh nghiệp. TS Vũ Tiến Lộc phân tích, trong Luật Doanh nghiệp có quy định về các loại hình công ty như TNHH, cổ phần, hợp doanh… Chúng ta cũng quy định doanh nghiệp tư nhân chính là doanh nghiệp một chủ, một cá nhân kinh doanh cũng được gọi là doanh nghiệp. Còn hộ kinh doanh có thể là một cá nhân hoặc một nhóm người kinh doanh lại không phải là doanh nghiệp. “Họ có là doanh nghiệp hay không là do pháp luật quy định. Các nước trên thế giới đều coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp”, TS. Lộc nhấn mạnh.

Một cá nhân kinh doanh thì được gọi là doanh nghiệp tư nhân, nhưng một hộ hay một nhóm người kinh doanh hoặc một cá nhân kinh doanh nhưng đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ thì lại không đó là doanh nghiệp thì hoàn toàn không đúng. “Đây chính là một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nền kinh tế của Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội có đề nghị quy định hộ kinh doanh trong nghị định mà không đưa vào Luật Doanh nghiệp. Về vấn đề này TS. Lộc đề nghị, khu vực này chiếm 30% GDP nền kinh tế, là sinh kế của hàng chục triệu gia đình, đây là nơi mà quyền và nghĩa vụ kinh doanh của công dân được thể hiện thì phải được quy định vào trong luật.

“Quy định về hộ kinh doanh phải được đưa vào luật. Nhưng chỉ cần quy định những điều cơ bản nhất, sau đó giao cho chính phủ xây dựng nghị định để cụ thể hóa. Sau khoảng thời gian 5 năm, chúng ta tổng kết, sơ kết quá trình thực hiện nghị định này rồi nâng lên thành luật nếu thấy cần thiết. Hoặc đưa vào Luật Doanh nghiệp hay có một luật riêng là thời gian sau giai đoạn này”, TS. Lộc đề xuất.

Còn hiện nay để đảm bảo quyền kinh doanh của các công dân trong khu vực này, TS. Lộc cho rằng cần phải đưa vào trong luật. Vì họ hiện đang chịu nhiều rủi ro, địa vị pháp lý không rõ ràng, một loạt quyền bị hạn chế. Ví dụ, nếu đăng ký ở huyện thì chỉ được hoạt động ở cấp huyện không được hoạt động và mở rộng. Nhưng bây giờ hộ kinh doanh hay doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế thị trường làm sao có thể hoạt động toàn cầu. “Hạn chế như vậy rất không ổn, cho nên tôi đề nghị cần thiết phải đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, cũng giống như doanh nghiệp tư nhân”, TS Lộc bày tỏ.

nên đặt vấn đề chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Mặc dù đã có một số chủ trương, nhưng theo TS. Vũ Tiến Lộc, nói như vậy cũng không hoàn toàn chuẩn xác, vì bản thân hộ kinh doanh đã là một loại hình doanh nghiệp, dù có thể là loại hình sơ khai. Chúng ta có thể khuyến khích chuyển hộ kinh doanh sang các loại hoại hình doanh nghiệp khác theo hình thức như công ty cổ phần, TNHH...

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc, khi đã chế định vào trong luật thì cũng cần phải rất lưu ý một vấn đề. Đó là, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ trong Luật Doanh nghiệp đang phải chịu một hệ thống các thủ tục hành chính phiền hà, đặc biệt là hệ thống kế toán. Đối với hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân, cần phải được thiết kế một hệ thống các quy định pháp lý và thủ tục hành chính, hệ thống kế toàn đơn giản, thuận lợi nhất, chứ không phải “choàng” thêm gánh nặng pháp lý cho khu vực này.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, phải hướng tới minh bạch, nếu 30% GDP không minh bạch thì năng suất lao động của nền kinh tế vẫn rất thấp. “Cho nên, đưa hộ kinh doanh vào luật là để bảo vệ, thúc đẩy, giúp khu vực này được minh bạch hơn, cũng như đảm bảo quyền bình đẳng của họ đối với các loại hình doanh nghiệp khác. Đây là chủ trương rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nguyễn Việt