ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Nguyễn Việt 18/11/2019 11:30

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cần phải xem xét lại và tính toán thật thấu đáo.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), đưa ra quan điểm về kinh doanh dịch vụ đòi nợ nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi).

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình).

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình).

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được một số tỉnh, thành phố kiến nghị. Nhưng theo quan điểm của ông Xuyền, không khéo lại đi vào tư duy “không quản được thì cấm”. Ông Xuyền đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đó là không nên đưa vào cấm.

Theo ông Xuyền, hiện nay, có rất nhiều hành vi lợi dụng kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ví dụ, mượn việc đòi nợ để siết nợ hay đòi nợ thuê gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, kinh doanh karaoke thì núp bóng buôn ma túy, mại dâm; kinh doanh trò chơi điện tử thì biến tướng thành cờ bạc trá hình…Đây là những hành vi lợi dụng vào nội dung kinh doanh dịch vụ đòi nợ để phạm tội, cho nên phải tách riêng để xử lý. Nếu không tách bạch mà cấm sẽ bị mất đi một loại hình kinh doanh, liên quan đến quyền kinh doanh của công dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm

    11:05, 21/10/2019

  • Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không thể cấm cho “đỡ phiền”!

    17:45, 30/08/2019

  • Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

    11:00, 24/06/2019

Ông Xuyền cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ không chỉ có việc đi đòi nợ, điều này trong Bộ luật Dân sự đã quy định, bên cạnh đó chúng ta còn có Nghị quyết số: 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Khi đã có loại hình mua bán nợ, khoản nợ chuyển sang cho người khác thì họ có quyền đi đòi nợ, nếu không cũng sẽ phải cấm cả mua bán nợ. Trong khi, đây chỉ là sự chuyển dịch dân sự rất bình thường.

Ông Xuyền đưa ra giả thiết, tôi đang có một khoản nợ nhưng không thích đi đòi, không muốn đi đòi mà lại bán khoản nợ này cho người khác và người này có quyền được nhận khoản nợ đó của tôi. Đây là hợp đồng chuyển giao nghĩa vụ trong luật dân sự, và đã được quy định rất rõ. Khi đã chuyển giao hợp pháp thì người mua lại khoản nợ có quyền được đi đòi nợ.

“Còn hình thức đòi nợ như thế nào thì lại là câu chuyện khác. Nếu đi đòi nợ mà bắt người, hoặc sử dụng các biện pháp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Xuyền, khi có nợ thì phải được đi đòi nợ, nếu bây giờ cấm đòi nợ thì người gặp khó khăn đầu tiên là các ngân hàng. Vấn đề là đòi nợ như thế nào? Ví dụ, phải phát giấy, yêu cầu đến trụ sở để nộp tiền nợ trong khoảng thời hạn bao nhiêu ngày, nếu trong khoảng thời gian đó không có hồi âm thì sẽ bị siết nợ như thế nào, nếu không được thì có phải ra tòa hay không…tất cả các khâu này đều đã có quy trình rất chặt chẽ và rõ ràng.  

Nguyễn Việt