TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Quyền của hộ kinh doanh phải được ghi trong luật
Không phải đưa hộ kinh doanh vào luật để chịu sự quản lý, Hiến pháp đã quy định, quyền và hạn chế quyền phải được quy định trong luật.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định khi thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong Hiến pháp quy định rất rõ về quyền và lợi ích của công dân, quyền tự do kinh doanh phải được quy định trong luật. Hiện nay chúng ta chưa có luật nào quy định vấn đề này, mới chỉ có nghị định. “Hộ kinh doanh không thể chỉ quy định ở tầm nghị định, vì khu vực này liên quan đến 30% GDP và hàng chục triệu gia đình, do đó cần phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ bằng luật”, TS. Lộc nhấn mạnh.
Vẫn theo TS. Vũ Tiến Lộc, chúng ta thiết kế hệ thống pháp luật để đảm bảo bình đẳng, thuận lợi và thúc đẩy cho sự phát triển chứ không ép buộc hộ kinh doanh phải lên thành doanh nghiệp. Khi đưa vào luật phải bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện cho họ, không thể bắt hộ kinh doanh phải áp dụng các tiêu chuẩn cao theo hình thức công ty.
Có thể bạn quan tâm
Giúp hộ kinh doanh "dễ thở" hơn
03:37, 17/11/2019
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 11- 16/11]: Quốc hội “chốt” tăng lương cơ sở, Hộ kinh doanh phải được bình đẳng và minh bạch...
05:00, 16/11/2019
“Khoác tấm áo” mới giúp hộ kinh doanh "nâng tầm"
02:27, 16/11/2019
Hộ kinh doanh cần chuyển biến trong xã hội văn minh
00:40, 16/11/2019
Dự thảo Luật Doanh nghiệp và tấm áo mới cho hộ kinh doanh
04:50, 15/11/2019
“Việc sửa đổi là nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh, chứ không thể lại đè thêm thủ tục hành chính, nghĩa vụ tài chính lên khu vực này. Nếu thiết kế một hệ thống pháp luật bảo đảm bình đẳng, thuận lợi thì không cần khuyến khích họ cũng vào”, TS. Lộc nhấn mạnh.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất cần học theo tinh thần của nước châu Âu. Đó là, mỗi công dân đều cảm thấy tự hào khi được đóng góp tiền thuế xây dựng đất nước của mình mỗi năm bao nhiêu tiền, càng đóng góp nhiều càng thấy tự hào. Phải để mỗi người dân nói rằng, năm trước tôi không nhớ đóng góp được bao nhiêu, nhưng năm nay tôi đã đóng được 100 USD, năm sau tăng lên 150 USD. Đây mới là một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng.
“Chúng ta cần thay đổi tư duy cũ, đó là con mình sau này sẽ giữ chức vụ, vị trí gì cao sang trong xã hội, lên một tư duy mới, đó là gia đình, bố, mẹ, con, cháu năm nay đóng thuế cho nhà nước được bao nhiêu”, ông Dũng bày tỏ.
ĐBQH Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Bởi qua tìm hiểu và đánh giá từ các địa phương, sự tham gia đóng góp vào ngân sách địa phương của các hộ kinh doanh chiếm 30%. Do đó, việc đưa hộ kinh doanh vào sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với hàm ý, vừa có tính chất bảo hộ để thúc đẩy phát triển, đồng thời yêu cầu họ cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp cho nhà nước. Vì thực tế tại khu vực này, việc quản lý thuế hiện gặp rất khó khăn, nếu không giám sát chặt chẽ thì rất khó thu được thuế.
“Cho nên, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Tôi là đồng tình và ủng hộ đưa hộ kinh doanh vào sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Việc này sẽ tạo thành hệ thống, các đối tượng, loại hình đều dưới sự quản lý của nhà nước ở từng cấp độ khác nhau”, bà Tâm nhấn mạnh.