Bộ Luật Lao động sửa đổi tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế
Đây là một trong những tiến bộ quan trọng trong Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.
Phân tích về những điểm mới của bộ luật này, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.
Theo đó, lần sửa đổi Bộ luật Lao động mới nhất này (các lần sửa đổi trước vào các năm 1994, 2002, 2006 và 2012) tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động: "Chốt" giữ giờ làm việc bình thường, tăng giờ làm thêm với ngành nghề đặc biệt
09:01, 20/11/2019
Bộ Luật Lao động sửa đổi: Chính phủ thấu hiểu, doanh nghiệp nặng tình
12:00, 12/11/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Giảm giờ làm có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm đi
19:28, 23/10/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi hưu và lo ngại chuyện thực thi
15:37, 23/10/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Ép trần giờ làm, Đại biểu Quốc hội lo nông sản “lãnh đủ”
13:08, 23/10/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tranh luận nảy lửa về giờ làm thêm
11:14, 23/10/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều Đại biểu đồng tình giữ giờ làm việc 48 giờ/tuần
10:15, 23/10/2019
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Phương án nào hài hoà lợi ích?
06:30, 23/10/2019
Những “bất đồng” của Dự Luật Lao động sẽ được bàn thảo tại Nghị trường
06:00, 23/10/2019
Theo phân tích của người đứng đầu tổ chức ILO tại Việt Nam, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.
Trong đó, nội dung thay đổi quan trọng nhất lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo giải thích của Giám đốc ILO Việt Nam, tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của ILO. Điều này giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết.
Bên cạnh đó, một nội dung thay đổi lớn khác là Bộ luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.
Điểm tiến bộ nữa được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp.
Bộ luật này cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.
Cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là 4 nguyên tắc được đặt ra trong 8 công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998.
Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh: “Tôn trọng các công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm CPTPP và EVFTA, cũng như của các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đa quốc gia”.
“Bộ luật vừa được thông qua thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước khác, vẫn còn có những khoảng cách và nội dung có thể tiếp tục cải thiện” - Giám đốc ILO Việt Nam nhìn nhận.