"Sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu cộng đồng doanh nghiệp bền vững"

Nhóm PV 26/11/2019 19:51

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững và Lễ trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019.

Buổi lễ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tối nay (26/11), tại Hà Nội.

Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững và Lễ trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019 thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp.

Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững và Lễ trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về Doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019 thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp.

Phát triển bền vững là sự lựa chọn tất yếu của mỗi quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, bước qua hơn 30 năm của công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ: Từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đa dạng hoá và đa phương hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại, thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, chúng ta đã đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội ấn tượng. Năm 2018 ghi nhận chỉ số GDP đạt mức cao nhất (7,08%) từ năm 2008 trở lại đây; năm 2019 dự kiến cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm 2019.

Trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư – tăng 15 bậc so với năm 2018. Đồng thời năng lực cạnh tranh xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ - tăng 10 bậc so với năm trước.

Theo quan điểm của ông Thành, trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn và thách thức, thì những kết quả tích cực trên cho thấy những nỗ lực bền bỉ của Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi, cũng như những giọt mồ hôi, công sức của mỗi doanh nghiệp để giữ vững vị trí trên thương thường đã được ghi nhận.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm. Chúng ta đã kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần bác ái, giàu lòng hiếu học của cha ông để phát triển đất nước đến ngày nay.

“Vậy thì hôm nay, chúng ta ở đây cùng nhau đặt ra một câu hỏi “Thế hệ con cháu sau này sẽ kế thừa điều gì từ chúng ta?”. Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau “rừng trọc, biển cạn”, nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi?”, ông Thành lo lắng.

ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo quan điểm của ông Thành, những lo lắng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như sự phát triển mà chúng ta theo đuổi chỉ nhanh mà không bền vững, chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại dài lâu. Từ góc độ đó, phát triển bền vững không còn là một tùy chọn, mà đã trở thành lựa chọn tất yếu cho mỗi quốc gia hay mỗi nền kinh tế, để thể hiện trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu đi một cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững là định hướng mà VCCI đã đặt ra từ nhiều năm trước. VCCI đã cụ thể hóa định hướng đó thông qua nhiều chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt là thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) năm 2010”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng với tinh thần đó, rất nhanh chóng sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được thông qua vào năm 2015, VCCI đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững vào năm 2016.

Ông Thành cho biết, bước sang năm thứ 4 triển khai, Chương trình tiếp tục ghi nhận sự tham gia đông đảo của hơn 500 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Từ hàng trăm hồ sơ xuất sắc đó, Lễ công bố ngày hôm nay sẽ cùng biểu dương 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững.

CSI có thể áp dụng cho mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp

Ông Thành kể trong các cuộc tiếp xúc và thảo luận cùng doanh nghiệp, đã có rất nhiều doanh nghiệp trăn trở, đặt câu hỏi: “Chúng tôi rất muốn phát triển bền vững, nhưng trừu tượng quá, không biết cần bắt đầu từ đâu?”.

Câu trả lời cho trăn trở đó, theo ông Thành chính là Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Khi tiếp cận CSI, doanh nghiệp sẽ thấy rằng đây chính là một bộ công cụ quản trị doanh nghiệp rất khoa học, có thể áp dụng cho mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp.

Để CSI có thể đến được với nhiều doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Thành cho biết, hàng năm VCCI cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã điều chỉnh, cập nhật Bộ chỉ số không chỉ phù hợp với pháp luật Việt Nam, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, giảm bớt số lượng tiêu chí để Bộ chỉ số được đơn giản hóa, dễ áp dụng hơn.

Năm 2019, CSI đã được tinh gọn từ 131 chỉ tiêu xuống còn 98 chỉ tiêu, ở 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội – môi trường.

Với CSI, ông Thành cho biết doanh nghiệp có thể soi mình vào đó để tự kiểm tra “sức khỏe” của mình, để có thể hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững, hay phát hiện ra những tiềm năng phát triển còn chưa được khai phá hoặc những lỗ hổng quản trị doanh nghiệp cần khắc phục.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ chỉ số CSI được nhắc đến trong cả 3 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây về phát triển bền vững, đó là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019, Thông báo kết luận số 358/TB-VPCP ngày 8/10/2019 kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc năm 2019 và mới đây nhất là Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, theo đó VCCI được Chính phủ yêu cầu xây dựng Đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ về giá trị của CSI đối với phát triển bền vững doanh nghiệp.  

Với thông điệp “hành động nhỏ có ý nghĩa lớn, thói quen nhỏ gây ra ảnh hưởng lớn”, mỗi một hành động dù nhỏ nhưng cũng có thể tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm

  • "Phát triển bền vững là sự sống còn của doanh nghiệp"

    19:18, 26/11/2019

  • Vinh danh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019

    19:13, 26/11/2019

Mới đây, một hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam đã hoàn toàn ngưng kinh doanh ống hút nhựa trong toàn chuỗi. Khi đó hàng loạt các đơn vị sản xuất sản phẩm này chuyển sang sản xuất và kinh doanh ống hút giấy, ống hút thủy tinh sử dụng nhiều lần.

Ông Thành cho biết, chỉ với một sáng kiến của doanh nghiệp đã không chỉ giúp định hướng cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp, các nhà cung ứng có ý thức tìm tòi phát triển những sản phẩm mang tính bền vững hơn. Và những điển hình như thế cần được lan tỏa rộng rãi hơn, để phát triển bền vững thực sự trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.

VCCI lần đầu tiên triển khai Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nghiệp phát triển bền vững

Tại buổi lễ hôm nay, ông Thành cũng cho biết năm 2019 VCCI đã chủ trì triển khai Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nghiệp phát triển bền vững. Thông qua Chương trình, VCCI mong muốn có thể cổ vũ, động viên các cơ quan truyền thông, với sức mạnh to lớn của mình, có thể truyền thông sâu rộng hơn nữa về giá trị, lợi ích của phát triển bền vững đến xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Những nhà báo, phóng viên, biên tập viên có những tác phẩm được biểu dương ngày hôm nay chính là những người giúp chắp thêm đôi cánh cho doanh nghiệp bay xa hơn nữa trên hành trình phát triển bền vững nhiều thách thức”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, sự thịnh vượng lâu dài của quốc gia rất cần có bàn tay của những người doanh nhân để xây dựng những doanh nghiệp bền vững.

Với tài năng, ý chí và nỗ lực to lớn của họ, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ thực sự trở thành một bánh lái quan trọng của con thuyền đi tới một “thế giới tốt hơn” thông qua “kinh doanh tốt hơn”. Tôi kỳ vọng các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông hãy sát cánh cùng nhau, cùng hành động mạnh mẽ hơn nữa – vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, ông Thành chia sẻ.

Nhóm PV