“Số lượng lớn các quyết định được thông qua tiếp tục khẳng định sự nghiêm túc của hoạt động nghị trường”
Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Về công tác lập pháp, Quốc hội thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ.
Về việc quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và Nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của nền kinh tế đồng thời đề ra giải pháp. Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, kiên trì kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền dân tộc.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao phần nội dung chất vấn cũng như phần trả lời của các thành viên Chính phủ, nhiều nội dung trúng và đúng.
“Các thành viên Chính phủ đã thể hiện sự nghiêm túc, không né tránh các vấn đề khó phức tạp, giải trình nhiều vấn đề và đề ra nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các lĩnh vực phụ trách”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội yêu cầu các ngành sớm có hành động cụ thể để triển khai các giải pháp được đề ra.
“Với số lượng lớn các quyết định được thông qua đã tiếp tục khẳng định sự nghiên túc của hoạt động Nghị trường, sự đồng tâm nhất trí, tâm huyết, trí tuệ của các Đại biểu Quốc hội. Thể hiện sự đồng tâm nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời khẳng định năm 2020 là năm cuối thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và là năm có nhiều sự kiện quan trọng do đó cần quyết tâm cho những mục tiêu đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội đánh giá thế nào về kỳ họp thứ 8?
15:52, 27/11/2019
ĐBQH Trần Văn Lâm: Sự đồng thuận cao của Quốc hội chính là kết quả của dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm
14:17, 27/11/2019
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: Tài liệu “gói gọn” trong chiếc iPad là thành công lớn
16:13, 27/11/2019
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chất vấn đã mang “sắc thái” mới
10:18, 27/11/2019
Có thể thấy, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lườn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020.
Qua 28 ngày làm việc, chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 8 gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề, Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Năm 2020 cũng là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020. Do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Quốc hội nghiên cứu, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tiếp tục chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Quốc gia; giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước; góp phần tích cực xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua 11 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhân dân và xã hội quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động… Cùng với các dự án luật điều chỉnh về kinh tế - xã hội, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức,… nhằm đổi mới tổ chức, sắp xếp hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông. Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Thứ ba, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng khác... |