Người dân phải chịu ô nhiễm không khí đến khi nào?
Câu hỏi không mới nhưng luôn mang tính thời sự, nhất là khi gần đây không khí khu vực miền Bắc liên tục được báo động ô nhiễm ở mức nguy hại.
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện tại Hà Nội mà đã lan rộng ra khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều điểm bị ô nhiễm cao như điểm đo thư viện huyện Hải Hậu, ô nhiễm lên ngưỡng tím với AQI là 208, thành phố Hưng Yên là 205, Hải Phòng có điểm đo lên tới 208.
Báo động ô nhiễm không khí
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dễ dàng đọc được khuyến cáo phát ra từ Tổng cục Môi trường như: Với chất lượng không khí như ở ngưỡng nguy hiểm, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo nên ở trong nhà, những người còn lại hạn chế ra đường. Mọi người nên dừng hoạt động tập thể dục buổi sáng ngoài trời, đóng các cửa lưu thông gió, ra đường đeo khẩu trang chống bụi mịn.
Hay khuyến cáo của các chuyên gia y tế như: Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Các chuyên gia lưu ý, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi mịn, cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95 hoặc N99.
Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi. Khi về nhà, cũng nên rửa mặt, rửa mũi để giảm thời gian hạt bụi tiếp xúc trên đường hô hấp và trên da. Đồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa...
Cần nói lại, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát (đốt rác, đốt rơm rạ).
Theo đó, trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.
Như phân tích từ các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận là do nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó có hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được, mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
Ô nhiễm không khí tiếp tục ở ngưỡng nguy hiểm
11:00, 11/12/2019
Cảnh báo ô nhiễm không khí tại miền Bắc: SOS!
13:50, 09/12/2019
Cử tri lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước
11:44, 21/10/2019
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
17:18, 12/10/2019
Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động
05:00, 11/10/2019
Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí
05:19, 04/10/2019
Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!
05:35, 02/10/2019
Lần đầu tiên Hà Nội công bố cụ thể 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
05:05, 02/10/2019
Ô nhiễm không khí - “Kẻ giết người” thầm lặng!
00:05, 02/10/2019
Ngạt thở vì ô nhiễm không khí
10:00, 16/07/2019
Giải pháp và thực thi thế nào?
Thực tế, ngay từ tháng 9/2019, khi Hà Nội và TP HCM được cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp...
Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình là Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn đến năm 2020, với quy mô 20 trạm quan trắc không khí. Dự kiến đến năm 2030, toàn thành phố có 50 trạm quan trắc.
Kế hoạch hành động đã có, giải pháp cũng đã đưa ra và thực hiện, tuy nhiên, vì sao tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra và thậm chí là đến ngưỡng cực nguy hiểm như sáng ngày hôm qua (11/12), khi hơn 60 điểm quan trắc của PAMAir tại Hà Nội hầu hết cho kết quả ở ngưỡng tím và đỏ. Đáng nói, một điểm đo ở Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vọt lên ngưỡng nguy hại với chỉ số AQI tức thời lúc 7h lên tới 302.
Mệnh lệnh đã có, giải pháp cũng đã đưa ra và thực hiện, tuy nhiên, vì sao tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra và thậm chí là đến ngưỡng cực nguy hiểm như sáng ngày hôm qua (11/12), khi hơn 60 điểm quan trắc của PAMAir tại Hà Nội hầu hết cho kết quả ở ngưỡng tím và đỏ. Đáng nói, một điểm đo ở Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vọt lên ngưỡng nguy hại với chỉ số AQI tức thời lúc 7h lên tới 302.
Có thể nhận thấy, ngay từ bước đầu tiên, Bộ Tài Nguyên Môi trường là cơ quan mang chức năng theo dõi chất lượng không khí đã thất bại trong việc phát hiện ra tình trạng ô nhiễm.
Người dân thông qua ứng dụng phần mềm đo quan trắc không khí IQAir AirVisual, đã phát hiện và báo động cho nhau trên mạng xã hội về tình trạng không khí độc hại trước cả khi Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm.
Việc Bộ này lên tiếng khuyến cáo sau đó và lên kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí chỉ là một liệu pháp tình thế nhằm trấn an dư luận, khi công chúng đã biết và đã phòng thủ bằng mặt nạ và khẩu trang trong nhiều ngày trước đó khi ra đường.
Tại Hà Nội, chính quyền địa phương cũng đã xác định được 12 tác động ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường ngay từ đầu tháng 10/2019. Một vài khuyến cáo cũng được đưa ra như: Vào các thời điểm có chất lượng không khí kém, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ra bên ngoài. Nếu phải ra ngoài người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe...
Đáng chú ý, tại Hội nghị Giao ban báo chí thường kỳ Thành ủy Hà Nội ngày 1/10, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định đã cho biết, Hà Nội đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn như: Tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao, hồ nội ngoại thành.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá rỡ các tòa nhà bằng công nghệ mới...
Bên cạnh đó, sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô về cải thiện chất lượng không khí cho thành phố; triển khai chương trình trồng cây xanh; chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ"; Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 "; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí; tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Quá nhiều giải pháp được đưa ra trong thời gian qua, nhưng việc Hà Nội thực hiện thế nào thì chỉ có đội ngũ thực thi công việc nắm rõ. Còn người dân, vẫn kỳ vọng, hy vọng rồi thất vọng khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Một thống kê mới đây cho thấy, ở Việt Nam, trung bình 164 người mỗi ngày tử vong chỉ vì hít thở không khí. Thật không ngoa chút nào khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi nạn ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”.
Theo thống kê của tổ chức này, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.
Còn theo các chuyên gia y tế, một người lớn trung bình hít thở khoảng 15 m3 không khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Dẫn chứng ra như vậy để thấy rằng, ô nhiễm không khí rất nguy hại - nó giống như một “kẻ giết người thầm lặng” đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Do đó, hơn lúc nào hết, ngay lúc này, các cấp chính quyền nên quan tâm hơn đến vấn đề này để có hành động cụ thể, kịp thời. Xin đừng để môi trường của Hà Nội "chết dần, chết mòn" bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Đến khi đó, mọi biện pháp khắc phục đều rất tốn kém, đè nặng thêm lên vấn đề chi phí, ngân sách quốc gia, còn cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.