Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lạm phát 2020 sẽ ở mức dưới 4%
Công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019, nhưng Ban chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp cuối năm, đề xuất Thủ tướng và Chính phủ kế hoạch điều hành giá trong năm 2020, sáng 25/12.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều hành giá năm 2020 cần xem xét trên các khía cạnh xung đột thương mại và địa chính trị trên toàn cầu, việc điều hành linh hoạt tỷ giá và chính sách tiền tệ theo thị trường và phát huy cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương...
Trên cơ sở đó, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê đều đưa ra các kịch bản điều hành giá của riêng mình cho năm 2020, trong đó các cơ quan đều có 2 kịch bản dưới 4% và kịch bản cuối cùng xấu nhất là trên 4%.
Không để thiếu thịt lợn
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dù kịch bản nào thì trong Quý I/2019 lạm phát sẽ tăng cao trên 4%, vì sức ép tăng giá từ các mặt hàng thịt lợn (giá tăng khoảng 5%, một số mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán và giá xăng, giá gas). Do đó, ông Tuấn đề nghị trong Quý I không nên điều chỉnh bất kỳ giá dịch vụ do Nhà nươc quản lý.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Lễ hội Cam Hà Tĩnh
08:31, 22/12/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Quân đội Nhân dân làm rạng danh lịch sử dân tộc
23:00, 20/12/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Củng cố quy định chống doanh nghiệp “tay không bắt giặc”
21:47, 29/11/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Củng cố quy định chống doanh nghiệp “tay không bắt giặc”
18:27, 29/11/2019
Đối với giá thịt lợn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận có hiện tượng găm hàng tăng giá. “Qua kiểm tra tại Bắc Giang, giá 140.000/kg nhưng người nuôi vẫn chưa bán, còn tại Hưng Yên giá lên tới 160.000- 170.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn chưa muốn xuất chuồng”.
Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định từ tháng 1/2020 sẽ bắt đầu cung ứng thịt lợn từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu người dân. Mặc dù nguồn cung thịt lợn thiếu hụt làm giá thịt lợn tăng, nhưng xét về tổng thể nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, tăng tới 760.000 tấn so với năm 2018, góp phần bù đắp sự thiếu hụt này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn hơn năm 2019, nhưng Ban chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.
“Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I tăng cao trên 4%, nhưng Ban chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội, dựa trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu của thị trường và cung- cầu hàng hoá”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: “Không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay”. Theo số liệu từ Hải quan, sau 11 tháng, Việt Nam đã cho nhập 111.000 tấn thịt lợn, tăng 108% về khối lượng và tăng 97% về trị giá.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá dịch vụ công trong Quý I, Quý IV/2020. Điều hoà cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng mà không chỉ có riêng thực phẩm.
Đối với thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt lợn giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho Tết Canh Tý và cả sau Tết; kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở.
Năm 2019 điều hành lạm phát thành công
Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu gía điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó, đánh giá công tác điều hành giá năm 2019, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7- 2,8%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế (điều chỉnh một bước giá các dịch vụ công nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện theo thị trường).
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua, khi 2018 là 3,54%, 2017 là 3,53%. Yếu tố lạm phát thấp còn tạo ra giá trị hơn cho mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của năm nay.
Ngoài yếu tố làm giảm áp lực lạm phát, lãnh đạo các bộ, ngành còn nhấn mạnh tới cơ chế điều hành, hoạt động của Ban chỉ đạo và sự phối hợp của các bộ, ngành tiếp tục được phát huy trong điều hoà cung cầu, minh bạch thông tin và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, triệt tiêu lạm phát kỳ vọng. Bên cạnh đó là sự vào cuộc kịp thời, khách quan của các cơ quan truyền thông, báo chí về cung cầu hàng hoá.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong bối cảnh lạm phát năm 2019 thấp, nếu Bộ Y tế linh hoạt hơn trong đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ nằm trong khoảng 3,3- 3,9%, theo đúng kịch bản mà Ban chỉ đạo điều hành giá đưa ra từ đầu năm 2019.
Hiện nay, để tích hợp chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế phải xác định định mức kinh tế - kỹ thuật của 9.000 loại dịch vụ. Vừa qua, Bộ Y tế mới xác định được định mức của 60 dịch vụ phổ biến nên chưa thể ban hành Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2019.