Chính thức công nhận đặc cách lúa ST25 "gạo ngon nhất thế giới"
Bộ NN&PTNT vừa công nhận đặc cách giống lúa thơm ST25 do nhóm tác giả KS. Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và ThS. Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ký Quyết định số 5052/QĐ-BNN-TT công nhận đặc cách giống lúa thơm ST25 do nhóm tác giả KS. Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và ThS. Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo.
Giống lúa ST25 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ xếp hạng 2 (18,6/20 điểm) trong tổng số 92 giống được đánh giá, với các chỉ tiêu lần lượt là: mùi thơm (4/5 điểm), độ mềm (4,8/5 điểm), độ trắng (5/5 điểm) và vị ngọt (4,8/5 điểm). Vì vậy, có thể xem đây là giống đặc sản, có phẩm chất đặc biệt nhất hiện nay.
Theo quyết định, thời vụ và vùng sinh thái công nhận là các vùng trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cho vùng lúa tôm và vùng ven biển. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và đơn vị có giống cây trồng được công nhận chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến giống vào sản xuất theo quy định hiện hành.
Giống lúa ST25 được chọn tạo bằng phương pháp lai cổ điển với nhiều bố mẹ kết hợp tại Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng và được trồng tuyển chọn tại Trại nghiên cứu giống lúa của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng.
Tính đến thời điểm hiện nay, giống lúa thơm ST25 được khảo nghiệm quốc gia 3 vụ và khảo nghiệm sản xuất 2 vụ, đúng theo quy định tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007.
Sau khi khảo nghiệm sản xuất, giống lúa thơm ST25 được nhóm tác giả đưa vào tham dự cuộc thi “World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị “TRT world rice conference” lần thứ 11 tại Manila, Philippines vào tháng 11/2019.
Kết quả dự thi giống lúa ST25 đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Kết quả khảo nghiệm DUS cho thấy, giống ST25 có tính khác biệt, đồng nhất và tính ổn định. Khảo nghiệm sản xuất cho thấy, giống vẫn giữ được các đặc tính tốt như trong khảo nghiệm, là giống lúa thuộc nhóm gạo đặc sản về chất lượng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và thích hợp canh tác vùng lúa tôm, đáp ứng được yêu cầu của xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Lúa ST 25 sản xuất đại trà, bảo vệ thương hiệu gạo ST 25 như thế nào?
16:16, 21/12/2019
Xuất khẩu gạo năm 2019 khó đạt mục tiêu 3 tỷ USD
08:33, 19/12/2019
Khai mạc Festival lúa gạo lần thứ 4 tại tỉnh Vĩnh Long
08:46, 14/12/2019
Tăng giá trị hạt gạo từ nhà máy sản xuất bánh gạo 70 triệu USD
02:06, 13/12/2019
Gạo ngon nhất thế giới nhưng chưa được bán
16:30, 28/11/2019
Kỹ sư Hồ Quang Cua và thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới 2019
09:54, 26/11/2019
Cha đẻ của giống lúa St25 này, kỹ sư Hồ Quang Cua, Giám đốc phát triển Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí nhận định: “Việc đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là điểm khởi đầu để chúng ta bắt đầu lại ngành gạo Việt Nam”
Tuy nhiên, khi được hỏi về sự cạnh tranh của ST25 với gạo Nhật Bản hay Thái Lan, kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng, chúng ta không so với gạo Nhật, vì gạo Nhật ở trong một phạm vi khác.
“Chúng ta có thể so với gạo Thái nhưng đừng hy vọng là đối thủ của họ ở thời điểm này. Vì năm nay chúng ta hơn họ nhưng xét về yếu tố lịch sử, yếu tố quá trình, yếu tố liên hệ khách hàng… của họ đã có 60 năm rồi. Họ là một đế chế trong ngành gạo thơm cao cấp”, kỹ sư Hồ Quang Cua nhấn mạnh.
Điều đáng nói, "cha đẻ" gạo ST25 chia sẻ, trước khi đạt danh hiệu này, doanh nghiệp của tôi cung ứng cho một cơ sở ở TP HCM khoảng một tấn mỗi tháng với giá 20.000 đồng một kg. "Tuy nhiên, hiện gạo ST25 gần như đã "cháy hàng" nhưng trên thị trường vẫn đang rao bán tràn lan loại gạo này", kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định, đồng thời cho biết, trên thị trường hiện đã tràn lan gạo giả gắn mác "ST25".
Hành trình tạo ra hạt gạo ngon nhất thế giới Được biết, nhóm nghiên cứu đã có định hướng làm gạo ngon, thơm từ những năm 1991. Khi xưa ở trong Nam kỳ lục tỉnh, thời thuộc địa Pháp chúng ta đã có loại gạo ngon, từ năm 1914 đã xuất khẩu đi châu Âu và gây được tiếng vang nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh nên loại gạo đó bị mai một. Đến năm 1997, nhận được tin Thái Lan đã lai tạo thành công giống lúa thơm, gọi là hạt vàng, với suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình thì không, nhóm nghiên cứu bắt đầu học tập, tìm vật liệu di truyền, đến năm 2002 thì bắt đầu lai tạo. Sáu năm sau có thành quả đầu tiên. Từ thành quả đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến phương thức lai và định hướng mục tiêu đến năm 2009 bắt đầu có phóng thích. Đến năm 2014 thì đưa ra được những giống lúa nổi tiếng. Năm 2017 lấy đi thi quốc tế, lần đầu lọt tốp 3 gạo ngon nhất thế giới ở Macau, năm 2018 cũng vào tốp 3, năm 2019 thì được bình chọn hạng nhất. Đây là quá trình rất dài vừa học, vừa làm, vừa cải tiến, nâng cao tính toàn diện của cây lúa, hạt gạo. |