Chủ tịch VCCI đề xuất thực hiện nhóm giải pháp lớn, trọng tâm trong năm 2020
Tại buổi Họp báo trước thềm VBF cuối kỳ năm 2019 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất thực hiện một số nhóm giải pháp lớn, trọng tâm trong năm 2020.
Tại buổi họp báo hôm nay (9/1), TS Vũ Tiến gửi lời chúc mừng chính phủ về những kết quả điều hành kinh tế trong năm 2019 với những thành quả tăng trưởng và cải cách rất đáng khích lệ. Cộng đồng doanh nghiệp tự hào có những đóng góp tích cực vào quá trình này vì suy cho cùng thì đằng sau bức tranh kinh tế là tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng với tinh thần dũng cảm và những nỗ lực vượt lên, Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bầu trời kinh tế thế giới như một ngôi sao tăng trưởng, cải cách và hội nhập.
Theo Chủ tịch VCCI, đà cải cách đang được thúc đẩy. Chúng ta đang bước vào năm 2020 với tâm thế mới, hành trang mới, quyết tâm mới và niềm tin mới. Nhưng cũng không thể không quan ngại khi những bất ổn và xu hướng giảm tốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục.
Ở trong nước, một số tín hiệu vĩ mô cũng không thể không làm chúng ta phải lưu tâm: tăng trưởng quý IV, 2019 đạt mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Nhiều đầu tàu công nghiệp giữ vai trò dẫn dắt nên kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản. 60% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi. Cơ cấu thị trường khách du lịch tới Việt Nam, cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu, cơ cấu dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch theo chiều hướng bất lợi, lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. 3 năm liền nguồn thu ngân sách từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt được kế hoạch do Quốc hội đề ra...
Để vượt lên khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển năm 2020 phải tốt hơn 2019, theo TS Vũ Tiến Lộc dư địa và động lực tăng trưởng lớn nhất vẫn là cải cách thể chế !
"Hai từ khóa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển năm 2020 và nhiều năm tới, theo tôi là “gỡ bỏ" và “kết nối”. Gỡ bỏ rào cản để khơi thông các nguồn lực, kết nối để lan tỏa các giá trị", Chủ tịch VCCI nói.
Theo TS Vũ Tiến Lộc cần kết nối FDI Với SMEs trong nước, siêu kết nối qua cách mạng 4.0, kết nối với thế giới bên ngoài qua các FTAs Là những nỗ lực phải đầy mạnh.
"Chúng tôi hoan nghênh cố gắng tích cực của chính phủ trong việc triển khai rất khẩn trương các nghị quyết 01,02. Chính phủ dường như đã bắt đầu năm 2020 bằng một chiến dịch thúc đẩy cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất ấn tượng. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020, Thủ tướng đích thân dự và chỉ đạo Hội nghị của các bộ ngành triển khai công tác. Tổ công tác rà xét pháp luật được thành lập, tổ công tác thúc đẩy cải cách thể chế cũng sẽ ra đời. Đó là những cơ chế mới thúc đẩy hoàn thiện và thực thi pháp luật đầy hứa hẹn. Áp lực cải cách từ trên xuống, áp lực hội nhập từ ngoài dội vào, áp lực niềm tin và kỳ vọng của người dân từ cơ sở sẽ là những lực đẩy quan trọng của cải cách", TS Lộc cho biết.
Về kết nối FDI Với SMEs theo TS Vũ Tiến Lộc cần có nỗ lực ở cả hai đầu: tăng cường trách nhiệm của FDI và nâng cao năng lực của SMEs. "Kết nối với doanh nghiệp trong nước cần được coi là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng hàng đầu của dòng vốn FDI thế hệ mới, là trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp FDI đối với quê hương thứ hai của mình. Là phương cách để FDI sâu rễ bền gốc trong nền kinh tế Việt Nam và phát triển bền vững ở Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
TS Vũ Tiến Lộc thông tin: "Về gỡ bỏ các rào cản, tôi đã có một bản kiến nghị chi tiết 13 nội dung cần giải quyết gửi tới diễn đàn. Tôi không nói lại những nội dung cụ thể. Chỉ xin nêu thêm một số ý kiến khái quát"
Theo đó, Chủ tịch VCCI nêu, hành trình dỡ bỏ rào cản đã được đầy mạnh trong nhiệm kỳ này của chính phủ. Đã có hai con sóng lớn: con sóng đầu tiên diễn ra vào năm 2016, đã xóa bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh khoác áo thông tư, xác lập các điều kiện kinh doanh trong nghị định theo một danh mục chặt chẽ quy định tại luật đầu tư.
Con sóng cải cách thứ hai là cắt giảm và đơn giản hoá 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành diễn ra vào năm 2018. Năm 2019, không có con sóng lớn, nhưng những nỗ lực cải cách vẫn được tiếp tục và việc triển khai chính phủ điện tử có thể coi là một điểm nhấn. Việc triển khai CPTPP và ký kết EVFTA là những nỗ lực hội nhập quan trọng. Chúng ta trông chờ gì ở năm 2020
"Có con sóng nào để tiếp tục dỡ bỏ các rào cản kinh doanh", TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.
Từ đó Chủ tịch VCCI đề nghị một số lĩnh vực cần được quan tâm để tiếp tục gỡ bỏ rào cản.
Trước hết TS Vũ Tiến Lộc đề nghị tập trung rà sát và giải quyết các điểm chồng chéo, xung đột trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, liên quan đến các luật đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhà ở đấu thầu.... "Qua rà sát ban đầu, chúng tôi thấy ít nhất có 25 điểm chồng chéo, xung đột ,đang là rào cản lớn nhất đối với việc huy động các nguồn lực cho phát triển, và quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án ở tất cả các địa phương đang chậm lại. Giải quyết những xung đột này, thông qua việc dùng một Luật sửa nhiều Luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là điểm đột phá về cải cách thể chế và thủ tục hành chính cho năm 2020", TS Lộc cho biết.
Điểm thứ hai theo Chủ tịch VCCI đó là cần tiếp tục triển khai một cách thực chất chương trình cắt giảm đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành với yêu cầu cắt giảm ít nhất 20 % thủ tục cũng như các chi phí thời gian và tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, các bộ ngành báo cáo đã hoàn thành kế hoạch cắt giảm và đơn giản hoá tới 50% nhưng theo một số đánh giá độc lập thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thực chất chỉ quanh quẩn ở mức 30 %, nên mục tiêu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thêm 20 % nữa trong năm 2020 là phù hợp.
Nội dung thứ ba Chủ tịch VCCI kiến nghị tiếp tục hành trình số hoá, thúc đẩy chính phủ điện tử trong năm 2020, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường đúng với tinh thần mà thủ tướng đã nhấn mạnh là không phải là cơ quan nhà nước muốn hay không mà phải chuyển giao tất cả những việc mà xã hội và thị trường có thể đảm nhiệm, để Chính phủ tập trung làm thể chế.
"Tôi cũng đề nghị tăng phân quyền phân cấp phân quyền cho các địa phương. Nói gọn lại, tôi hy vọng, năm cánh sao của ngôi sao cải cách thể chế năm 2020 sẽ là: Một là, xóa bỏ chồng chéo (chương trình 25- tập trung sử lý 25 điểm chồng chéo pháp luật lớn nhất). Hai là, cắt giảm thủ tục (chương trình 20 - cắt giảm , đơn giản hoá ít nhất 20% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh). Ba là, thực hành chính quyền điện tử. Bốn là, chuyển giao dịch vụ công. Năm là, phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở", TS Lộc nói.
Từ đó TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị: "Ngôi sao cải cách bay lên sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tôi cũng đề nghị chính phủ tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc Hội thông qua luật doanh nghiệp, luật đầu tư sửa đổi và luật đối tác công tư theo tư duy mới để tạo nên tảng cho các hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta. Trong đó, việc đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật doanh nghiệp dưới hình thức “doanh nghiệp một chủ" theo thông lệ của thế giới là rất cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này, giảm nhũng nhiễu, nâng cao năng xuất và hiệu quả hoạt động của một khu vực đóng góp tới 30% GDP của nền kinh tế, liên quan tới sinh kế của hàng chục triệu người dân 2020 cũng là năm chúng ta triển khai thực hiện nghị quyết 50 của Bộ chính trị về cải thiện chất lượng của dòng chảy FDI, bảo đảm sự cộng sinh cùng có lợi giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa và nền kinh tế Việt Nam, tôi hy vọng, năm nay sẽ mở đầu “mùa chim làm tổ", “kết duyên" được giữa các FDI với SMEs nội địa của chúng ta. Tôi cũng đề nghị Chính phủ trình quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy quá trình này !"