Ghi hình CSGT: “Cây ngay không sợ chết đứng”
"Cây ngay không sợ chết đứng", CSGT cứ làm đúng luật và trách nhiệm thì ngại gì việc người dân ghi âm, ghi hình khi đang làm nhiệm vụ.
Từ ngày mai (15/1) Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT chính thức có hiệu lực.
Theo quy định, người dân sẽ có 5 cách giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Thứ năm, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ.
Đây là lần đầu tiên Bộ Công an quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình phải đảm bảo các điều kiện như: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ, ở ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định, những hoạt động ghi âm, ghi hình phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cán bộ công an, ở ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tuân theo các quy định pháp luật khác có liên quan.
Quy định cũng nêu rõ: Nhân dân giám sát CAND phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết: "Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Bộ Công an đã lắng nghe những ý kiến góp ý để điều chỉnh cho phù hợp, điển hình là quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp".
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người dân phải tuân thủ thực hiện theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.
Việc ghi âm ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT. Khu vực đảm bảo ATGT được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT.
Bên cạnh đó, khi người dân ghi âm ghi hình phải đảm bảo an toàn đến bản thân mình và không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT hoặc nhiệm vụ truy bắt tội phạm.
"Đặc biệt, người tham gia quay phim, ghi hình giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính trung thực, khách quan của thông tin giám sát, phát tán thông tin theo quy định của pháp luật". - Luật sư Nguyễn Thị Thu nói.
Không bình luận nhiều về Thông tư này, Luật sư Nguyên Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh chỉ đưa ra cảnh báo: "Trong trường hợp mà người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ mà người dân phải chịu trách nhiệm theo Luật an ninh mạng cũng như xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Vu khống (Điều 156 BLHS), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 228 BLHS)
Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015".
Có thể khẳng định, Thông tư 67/2019 là một trong những quy định giúp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của lực lượng CAND khi thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có CSGT, thể hiện sự dân chủ trong hoạt động thực thi pháp luật.
Điều đó cho thấy, khi xây dựng dự thảo thông tư, Bộ Công an đã lắng nghe những ý kiến góp ý để điều chỉnh cho phù hợp.
Việc quy định cụ thể hình thức giám sát của người dân như được ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình thực hiện quyền công dân của mình, qua đó minh bạch, giảm bớt tiêu cực cho các chiến sĩ CSGT cũng như các lực lượng chấp pháp khác.
Tuy nhiên, bản thân mỗi người khi thực hiện quyền giám sát của mình phải tuân thủ pháp luật, việc ghi hình, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp.
Bởi theo Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN, bên cạnh những điểm tốt, mặt tích cực thì cũng không tránh khỏi việc một số người dân lợi dụng việc giám sát để tuyên truyền, bêu xấu, xuyên tạc...
"Trong trường hợp xảy ra sự việc nêu trên thì lực lượng chức năng cần bình tĩnh giải quyết, giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ và yêu cầu chấm dứt hành vi.
Nếu lực lượng chức năng công tâm, thực hiện hành vi đúng quy định thì không phải lo lắng với sự việc ghi hình, chụp ảnh của người dân và tùy theo tính chất, sự việc thì những hành vi vi phạm của người dân khi quay phim, chụp hình không đúng quy định sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự”, luật sư Việt nhấn mạnh.