Cần thiết phải hợp nhất sở, ngành
Chủ trương của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân. Muốn vậy, một trong những yếu tố đầu tiên là cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ.
Do đó, việc sáp nhập các bộ, ngành ở Trung ương, sở, ngành và phòng, ban ở địa phương là việc cần thiết.
Bộ Nội vụ đang được giao nhiệm vụ tổng kết tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và chuẩn bị xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ tới.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ mới là tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, giảm áp lực cho ngân sách.
Theo đó, ngày 3/12/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành thông báo đăng ký thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.
Các địa phương được phép đăng ký thí điểm hợp nhất 8 sở, ngành, trong đó Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư hợp nhất thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Sở Giao thông Vận tải hợp nhất với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng.
Sở Nội vụ được thí điểm hợp nhất với Ban tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh.
Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ, và tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.
Thanh tra cấp tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy có thể thí điểm hợp nhất thành cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh.
Còn tuyến bộ, sẽ được nghiên cứu để đề ra giải pháp thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo...
Có thể bạn quan tâm
Sáp nhập Sở, ngành: Cớ gì còn phải lăn tăn?
05:31, 23/04/2018
Sáp nhập Sở, ngành: Không còn thời gian để “dạo chơi”!
11:03, 19/04/2018
Quảng Trị: Bộn bề tâm tư khi... sáp nhập xã!
05:05, 05/11/2019
Gỡ vướng sáp nhập xã, thị trấn ở Nghệ An, Hà Tĩnh
15:09, 02/11/2019
Sáp nhập các cơ quan chuyên môn: Có thể giữ cứng 9 sở ngành
11:00, 02/08/2019
Đây không phải là vấn đề mới, vì từ năm 2001, khi vận hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hợp lý.
Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, rất nhiều ĐBQH đã có ý kiến và đề xuất Chính phủ nên hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính thành Bộ Kế hoạch – Tài chính.
Tương tự, nên sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng, tránh tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Như Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói: “Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tổng kết và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều cần nghiên cứu xem xét giảm cấp phó, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức làm việc…
Cần làm sao để chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan phải hướng đến phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Thực tế, đến nay mới có 15 trong 63 tỉnh, thành đã gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm sáp nhập sở, ngành cấp tỉnh và phòng, ban cấp huyện.
Dĩ nhiên, số tỉnh, thành đăng ký chưa đủ để thực hiện thí điểm vì để thí điểm thì ít nhất 20% của 63 tỉnh, thành, nên Bộ Nội vụ vẫn phải tiếp tục gửi văn bản yêu cầu các địa phương khác đăng ký.
Tức là, dù đó là yêu cầu cấp thiết, việc làm mang tính chất cải cách, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành nội vị. Vì cái khó nhất hiện nay khi sáp nhập các đơn vị, sở ngành là vấn đề lợi ích của các cá nhân, đơn vị.
“Trong cải cách tổ chức bộ máy, giảm quyền anh, quyền tôi thì sẽ tăng lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân. Vì triết lý này, một số cá nhân ở những vị trí nhất định phải chấp nhận để đạt được mục tiêu có lợi chung cho đất nước. Tuy nhiên, cũng cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng để cán bộ có sự chia sẻ, đồng thuận và thống nhất thực hiện bằng ý thức gương mẫu của người đảng viên” - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Dẫu vậy, vẫn cần coi sáp nhập các sở, ban, ngành cùng chức năng là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính nhằm thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Vì lẽ đó, nhiệm vụ có khó mấy chúng ta phải bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ này.