Cần nhiều văn bản như "Nghị định 100"

Bảo Lam 17/01/2020 05:00

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định 100, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực.

Cảnh sát giao thông kiểm tra một trường hợp, đo nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra một trường hợp, đo nồng độ cồn.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đánh giá của Thủ tướng, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Điều đó cho thấy những quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục, tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh.

Đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như các hành vi vi phạm khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử phạt nồng độ cồn: Lo ngại “chung chi” khi thực thi

    11:00, 07/01/2020

  • Xử phạt nồng độ cồn: Băn khoăn con số “vượt 0 mg/l khí thở”

    00:00, 12/01/2020

  • Thấy gì từ ba trường hợp “nổi tiếng” bị phạt nồng độ cồn?

    11:02, 08/01/2020

  • Xử phạt nồng độ cồn: Tết Nguyên đán Canh Tý có còn vui?

    11:05, 06/01/2020

  • Xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

    04:00, 04/01/2020

  • Kiên quyết đẩy lùi tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, ma túy

    15:27, 24/04/2019

  • "Điều luật lịch sử" thay đổi thói quen xấu về rượu, bia

    05:00, 24/12/2019

Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, năm 2020 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100 với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân.

Quan trọng hơn, theo Thủ tướng cần đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT tại Nghị định số 100.

Đồng thời, tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe", trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong suốt năm 2020; lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm) đối với các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Giao thông vận tải các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy định của Nghị định số 100 và các quy định liên quan đến ATGT trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ, đường sắt. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp những vấn đề mới phát sinh cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở (huyện, xã, phường) tăng cường đưa tin về tinh thần nhân văn của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100.

Đồng thời, phối hợp với ngành Công an, Giao thông vận tải tuyên truyền đến đông đảo nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật cũng như kết quả xử lý vi phạm quy định về TTATGT, tạo niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đưa tin, tuyên truyền về các hành động sai trái, đi ngược lại các quy định của pháp luật.

Nghị định 100 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và đồng loạt, lực lượng chức năng trên khắp cả nước ra quân kiểm tra, xử lý người vi phạm theo mức phạt của quy định mới.

Theo thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), trong nửa tháng (từ 1 - 15/1), CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 55.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 50 tỉ đồng. Trong đó, cảnh sát xử lý gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.

Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 trường hợp, Thanh Hóa 379, Tây Ninh 341, Đồng Nai 327, TP.Hồ Chí Minh 209 trường hợp...

Một số địa phương xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Đồng Nai 118 trường hợp, Long An 115, TP.Hồ Chí Minh 70 trường hợp...

Lực lượng CSGT cũng đã xử lý nhiều công chức vi phạm như: Phạt một Phó Giám đốc Bệnh viện ở Thái Bình 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày; tại Quảng Bình đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Ba tỉnh thành gồm Hà Nội, Thanh Hóa và Hà Tĩnh, CSGT đã có xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài.

Trung tá Trần Minh Quang, Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Công an TPHCM cho biết: "Một số hành vi vi phạm được điều chỉnh với mức phát tăng cao do đó đã tác động đến ý thức một bộ phận của người tham gia giao thông, không còn tình trạng vi phạm phổ biến về nồng độ cồn như trước đây. Và tình hình tai nạn giao thông bước đầu đã được kiềm chế kéo giảm".

Thực tế đã có nhiều số liệu thống kê và cảnh báo rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi uống bia, rượu. Rất nhiều gia đình tan nát cũng vì các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.

Vì thế, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được rất nhiều người chào đón, trông chờ được triển khai thường xuyên, đồng bộ.

Mặc dù còn nhiều tranh luận, nhiều ý kiến trái chiều, nhưng, sau 16 ngày triển khai, kết quả ban đầu cho thấy nhiều người đã tự điều chỉnh hành vi, đã e dè cầm lái thấy rõ, sau khi uống rượu bia.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Cục CSGT, từ ngày 1 - 15/1, toàn quốc xảy ra 322 vụ, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.

Hy vọng, Nghị định 100 sẽ là “liều thuốc mạnh” góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Bảo Lam