TP HCM đề xuất thí điểm mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế số

Thy Hằng 17/01/2020 14:25

TP HCM đề xuất được áp dụng thí điểm những mô hình mới về kinh tế chia sẻ, kinh tế số bởi thành phố có quy mô kinh tế lớn và nhiều điều kiện thuận lợi.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai công tác năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực tế ở hầu hết các nước đang phát triển hiện nay, dân số đang giảm, thiếu lao động. Bởi vậy, có nguồn lao động dồi dào chất lượng cao là một lợi thế rất quan trọng. 

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai công tác năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất một số kiến nghị tạo động lực phát triển kinh tế của Thành phố.

 Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất một số kiến nghị tạo động lực phát triển kinh tế cho Thành phố. Ảnh: Thy Hằng

Tp Hồ Chí Minh hiện nay với 4,5 triệu lao động, là nơi có lực lượng lao động đông nhất cả nước. Có hệ thống giáo dục đào tạo khá phát triển với hơn 60 viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Là nơi cung cấp chất lượng lao động ngày càng cao với quy mô lớn, đây là lợi thế của Thành phố,

“Ví dụ gần đây nhất, chúng tôi thu hút 1 dự án đầu tư của Đức về thiết bị điện cho xe hơi điện. họ cần 7000 lao động trong đó có 5000 kĩ sư, và một trung tâm nghiên cứu với 500 kĩ sư, đầu tư 650 triệu USD. Sau 1,5 năm sẽ xuất khẩu 3 tỷ USD, giai đoạn 2 sẽ là 5 đến 6 tỷ USD. Họ cần Thành pố có thể cung cấp cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao và nguồn nhân lực với quy mô như vậy. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, động lực phát triển của thành phố sẽ là nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc tế với quy mô lớn”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng thẳng thắn cho rằng, tứ giác “doanh nghiệp khoa học, đào tạo chất lượng cao, các công ty tài chính và quản lý nhà nước” đang là một tồn tại. “Tứ giác phát triển này chúng ta nói nhiều nhưng còn thiếu chặt chẽ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cụ thể, Bí thư Thành uỷ TP HCM cho biết, qua thực tiễn bên cạnh những cơ chế chung thì còn có mô hình đang triển khai cụ thể thực hiện việc kết nối này ở một quy mô diện tích cụ thể, hạn chế về không gian có mật độ rất cao.

TP HCM sẽ xây dựng một khu đô thị sáng tạo tương tác cao, gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Ở đây có khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả nhất cả nước, hiện nay đang thu hút 7 tỷ USD, xuất khẩu mỗi năm trên 8 tỷ USD. Một khu công nghệ cao hiện nay bước vào giai đoạn 2. Ngoài ra có mật độ trường đại học vào loại cao nhất cả nước, cụm trường đại học với trên 100.000 sinh viên, 2000 tiến sĩ là trung tâm đào tạo rất lớn. Quận 2 với khu đô thị mới sẽ thành lập trung tâm tài chính.

“Như vậy Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức hiện nay đã hình thành 3 cực là sản xuất công nghệ cao, đào tạo, nghiên cứu trình độ cao và công nghệ mới thì chúng tôi tích hợp lại thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, chiếm 11% diện tích thành phố, 11% dân số, triển vọng sẽ đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của Tp. Hiện thực hóa sự tương tác giữa 4 bên một cách chặt chẽ về không gian”, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Đặc biệt nhắc tới về đề về các phương thức kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, Bí thư Thành uỷ TP HCM cho rằng, Tp HCM với dân số lớn, kinh tế lớn có điều kiện làm thử cái này.

“Thành phố có 315.000 người và xe tham gia vào hệ thống kết nối của các hãng dịch vụ xe, đây là mô hình kinh tế mở chia sẻ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thay đổi tư duy kinh tế cho phát triển đột phá

    13:27, 17/01/2020

  • Không khí Hà Nội, TP HCM lại ở “mức đỏ”, rất có hại cho sức khoẻ người dân

    11:00, 30/12/2019

  • TP HCM tiếp tục đề cao ứng dụng chuyển đổi số

    12:35, 29/12/2019

  • TP HCM đề nghị vay lại 23.931 tỷ đồng để làm Metro số 1

    02:40, 08/12/2019

  • Điều chỉnh khung mới, giá đất vùng ven TP HCM nổi sóng?

    11:00, 07/12/2019

  • TP HCM sẽ "học tập" Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển

    05:00, 29/11/2019

Bí thư Thành uỷ TP HCM đồng thời cho rằng, cần nhận thức lại mô hình kinh tế biển. “Lâu nay chúng tôi coi Cần Giờ và các cảng liên quan là nguồn lực chính của kinh tế biển. Nhưng không phải, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, từ bờ biển chạy vào khoảng 100 km, là vùng đất có nguồn lực và tài nguyên rất lợi thế để phát triển kinh tế biển. ở Mỹ, 85% kinh tế Mĩ nằm ở khoảng diện tích 100 km từ bờ biển trở vào. Tp HCM có chiều dài từ biển là 88 km. Cả thành phố nằm trong vùng kinh tế biển, như vậy các tỉnh có biển ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông nam bộ phải ngồi lại với nhau để hoạch địch lại phương thức phát triển. Ở Việt Nam, các tỉnh có biển chiếm 40% diện tích cả nước, nhưng đóng góp GDP chiếm 65%”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Với vấn đề hợp tác vùng, hiện, cứ 5 năm dân số thành phố thêm 1 triệu người. Cứ 5 năm phải tạo ra thêm 1 triệu việc làm và phương tiện đi lại, nhà ở. TP HCM không thể chịu nổi.

“Nếu chúng ta không hợp tác với các địa phương xung quanh, nếu không giúp các địa phương khác phát triển và đặc biệt đô thị hóa tại các tỉnh thì đô thị hóa sẽ dồn vào Tp HCM, không cách nào ngăn chặn quá trình này. Chúng tôi phải nhận thức lại, TP HCM cũng đô thị hóa những phải giúp các địa phương đô thị hóa thật cao. Chúng tôi đã hợp tác với các tỉnh tây nam bộ về du lịch, sắp tới sẽ tiếp tục hợp tác với một số tỉnh về lĩnh vực giao thông”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Thy Hằng