Virus viêm phổi Vũ Hán lây thế nào?
Bệnh viêm phổi do chủng virus mới thuộc họ corona gây ra có thể lây từ động vật sang người, sau đó biến đổi để lây từ người sang người.
Bệnh viêm phổi cấp tính khởi phát ở Vũ Hán ngày 31/12/2019 với 41 người nhập viện, sau đó lan nhanh ra nhiều thành phố khác và xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh là chủng virus hoàn toàn mới thuộc họ Corona (nCoV).
Ba thành phố của Trung Quốc gồm Vũ Hán, Hoàng Cương và Ngạc Châu đã phong tỏa đường sắt, đường không, xe khách đường dài và phương tiện công cộng nhằm kiểm soát dịch. Thủ đô Bắc Kinh cũng hủy hàng loạt sự kiện đón năm mới để ngăn dịch lây lan.
Nhà virus học Leo Poon, người nhận diện nCoV, cho rằng nhiều khả năng nó bắt nguồn từ động vật và lây sang người. "Nó gây chứng viêm phổi và không phản ứng với kháng sinh. Điều này không bất ngờ. Hiện chưa thể xác định tỷ lệ tử vong thực sự với virus Vũ Hán, nhưng con số hiện tại thấp hơn hai chủng corana gồm virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)", Poon nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo điều này có thể thay đổi khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Tổ chức Y tế Thế giới đã phát khuyến cáo về phương án chuẩn bị đối phó dịch, bao gồm cách theo dõi người có nguy cơ nhiễm và biện pháp điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Singapore xác nhận có trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi corona
03:53, 24/01/2020
Hai trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh viêm phổi virus corona tại Việt Nam
01:45, 24/01/2020
Hà Nội: Nữ du học sinh vừa trở về từ Vũ Hán nghi mắc viêm phổi virus corona
14:00, 23/01/2020
Thủ tướng chỉ đạo khẩn về chống dịch bệnh viêm phổi virus corona
13:00, 23/01/2020
17 người chết vì viêm phổi lạ từ Vũ Hán: WHO cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khoẻ toàn cầu
02:42, 23/01/2020
Corona là họ virus thường xuất hiện trên động vật và hiếm khi lây chéo sang người, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Họ virus này có thể gây bệnh hô hấp với các triệu chứng tương đồng với cảm lạnh như sổ mũi, ho, đau họng, đau đầu và có thể sốt trong vài ngày.
Với những người có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ nhỏ, virus Corona có thể gây biến chứng nặng hơn như viêm phổi và viêm phế quản. Chỉ có một số dòng Corona có khả năng gây tử vong khi lây sang người.
MERS xuất hiện ở Trung Đông hồi năm 2012 và gây những bệnh hô hấp rất nặng, với tỷ lệ tử vong khoảng 30-40%.
SARS lần đầu được phát hiện ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc vào năm 2003. Nó không chỉ gây viêm đường hô hấp mà còn dẫn tới tiêu chảy, khó thở và suy thận. Tỷ lệ tử vong của SARS nằm trong khoảng 14-15% số ca nhiễm bệnh, trong đó 50% bệnh nhân trên 64 tuổi tử vong.
"Chủng virus Vũ Hán dường như lành tính hơn SARS và MERS, thời gian ủ bệnh cũng kéo dài hơn. Bệnh nhân thường ho nhẹ trong vòng một tuần, tiếp đó là khó thở và buộc họ tới bệnh viện. Hiện chỉ có 15-20% trường hợp biến chứng và cần biện pháp trợ giúp như thở máy", Peter Horby, giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford của Anh, nhận xét.
Các nhà khoa học cho rằng MERS bắt nguồn từ lạc đà, trong khi SARS dường như khởi đầu từ cầy hương. Tuy nhiên, quan chức WHO chưa xác định được loài động vật mang virus nCoV, dù một số nhà nghiên cứu cho rằng nó xuất phát từ rắn.
Trong trường hợp lây từ người sang người, nhiều khả năng virus được truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch thể như nước mũi và nước bọt của người nhiễm bệnh. Tùy thuộc vào độc lực của virus mà nó có thể phát tán qua cơn ho, hắt hơi hoặc bắt tay.
Virus cũng có thể lây khi người khỏe mạnh chạm vào những thứ từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh, sau đó đưa tay lên miệng, mũi và mắt. Nhân viên y tế có thể bị lây khi xử lý chất thải của bệnh nhân, theo CDC.
Trung Quốc đã xác nhận nCoV có thể lây từ người sang người, nhưng giới chuyên gia vẫn đang tìm hiểu đối tượng nào dễ truyền bệnh và dễ tổn thương nhất. "SARS và MERS chủ yếu lây lan trong bệnh viện. Một số người cũng có thể coi là 'nguồn siêu lây nhiễm'", Horby nói thêm.
Cả ba chủng Corona đều gây tổn thương nặng cho người cao tuổi, dù vẫn còn nhiều bí ẩn với nCoV. "Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán là khoảng 40, chưa có trường hợp trẻ em nào được xác nhận", giáo sư Horby cho hay.
Hiện chưa có phương án điều trị cụ thể với nCoV, các nghiên cứu vẫn được tiến hành. Các nhà khoa học cho biết phần lớn triệu chứng sẽ sớm biến mất, nhưng người bệnh cần đến cơ sở y tế nếu tình trạng xấu đi. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và hạ sốt, trong khi thiết bị tạo ẩm hoặc tắm nước nóng sẽ giúp giảm đau họng và hạn chế cơn ho.
"Uống nhiều nước và ngủ càng nhiều càng tốt", Horby nói thêm.
Giáo sư sinh học Neil Ferguson ở Cao đẳng Hoàng gia London cho rằng nCoV là mối lo ngại đáng kể trên quy mô toàn cầu. "Tỷ lệ tử vong của nó thấp hơn SARS và MERS, nhưng vẫn ngang ngửa đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918", ông cho biết.
Các chuyên gia đề xuất một số phương pháp nhằm giảm khả năng lây bệnh, như tránh tiếp xúc với người ốm, hạn chế chạm tay vào mắt, mũi và miệng, rửa tay thường xuyên với xà phòng trong khoảng trên 20 giây.
"Nếu bạn bị ốm và có lý do tin rằng mình nhiễm virus Vũ Hán, hãy tìm đến bác sĩ để điều trị càng sớm càng tốt. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi và sau đó sát khuẩn trên những bề mặt bạn từng chạm vào. Nếu đến Trung Quốc, hãy chú ý tới các triệu chứng và tránh những chợ bán động vật sống, đó là nơi dịch bệnh bắt đầu", giáo sư Ferguson cho hay.