Bác Hồ với kinh tế thị trường và doanh nghiệp tư nhân
Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”.
Trong đó có tư tưởng của Người về xây dựng nền kinh tế thị trường phát huy vai trò của giới Doanh nhân đã soi sáng con đường xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước.
Tư tưởng vượt thời gian về kinh tế thị trường
Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Một trong những nội dung quan trọng của các văn kiện là chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Chúng ta cũng đề cập tới vấn đề phát triển bền vững, vấn đề nâng cao năng suất lao động, tăng cường quan hệ đối tác công tư, xây dựng quan hệ lao động hài hoà - những vấn đề nóng hổi của nền kinh tế hiện đại.
Chúng ta thật xúc động, thú vị và bất ngờ khi thấy những xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thế giới hiện đại đã có nền tảng vững chắc trong tư duy kinh tế của Bác Hồ từ gần một trăm năm về trước.
Trước hết, nói về kinh tế thị trường, từ năm 1925, trong điều lệ của Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã chủ trương: “Sau này chúng ta sẽ thành lập Chính phủ nhân dân và áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế”. Thành lập Chính phủ nhân dân là thực thi nền dân chủ, áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế là chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Bác Hồ với nghệ thuật dùng người
12:43, 31/08/2019
Bác Hồ và “Nghị quyết” đầu tiên về Doanh nhân
11:39, 19/05/2018
Trách nhiệm hiện thực hóa tư tưởng mở cửa của Bác Hồ
22:15, 11/10/2015
Kinh tế tư nhân “lấn sân” nhà nước
05:08, 29/12/2019
Tăng trưởng kinh tế 2020: Động lực từ kinh tế tư nhân
11:00, 27/12/2019
Kinh tế tư nhân là “động cơ” của nền kinh tế
16:30, 22/12/2019
Sức vươn mạnh mẽ từ khu vực kinh tế tư nhân
11:05, 19/12/2019
Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển
00:14, 01/12/2019
Chính sách Tân kinh tế mà Bác nhắc tới ở đây là Chính sách Kinh tế mới của Lênin -NEP (được áp dụng ở nước Nga từ năm 1921 đến năm 1929). Đây có thể coi là một giai đoạn sơ khai của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hay nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc được khởi động vào nửa cuối của thế kỷ XX sau này.
Chính sách Tân kinh tế cho phép tồn tại một nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1986, Đại hội lần thứ VI, Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo mô hình này để chính thức bắt đầu hành trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường ở nước ta.
Như vậy công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam, có thể coi là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh từ gần một trăm năm về trước về thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Không thể đòi hỏi những chủ trương và thiết kế cụ thể của Lênin và của Hồ Chí Minh thời đó là hoàn thiện và đầy đủ nhưng rõ ràng đó là tư duy và quan điểm nền tảng của thể chế kinh tế thị trường mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng ngày hôm nay.
Vai trò chủ thể của kinh tế tư nhân và trách nhiệm của chính quyền
Lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân. Ngay sau Cách mạng tháng 8, từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh 2/9, Bác đã đến ở nhà của một doanh nhân (vợ chồng nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn bô và Hoàng Thị Minh Hồ). Tại đây, Bác viết bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau ngày Quốc Khánh, chỉ hai tuần, ngày 18/9, giới chức xã hội đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời cũng chính là đoàn đại biểu của giới Công Thương - các nhà tư sản dân tộc bấy giờ.
Ngày 13/10 khi giới Công Thương tập hợp lại, thành lập Công Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã gửi thư động viên cổ vũ. Trong thư bác viết: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà Công nghiệp, Thương nghiệp thịnh vượng”.
Như vậy, Bác đã khẳng định việc xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của giới Công Thương - của các nhà doanh nghiệp. Chính phủ có trách nhiệm tận tâm giúp đỡ.
Sau này trong một số bài viết, bài nói khác, Bác cũng nhấn mạnh chủ trương huy động sức dân, Bác khẳng định: “Chính phủ sẽ không bỏ tiền ra làm (kinh doanh), Chính phủ chỉ khuyến khích và cổ động” để giới Công Thương hoàn thành nhiệm vụ.
Đổi mới quản trị doanh nghiệp và cải cách thể chế
Liên quan đến các mô hình phát triển kinh tế, tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vô cùng sắc sảo. Bác đề cập tới vấn đề phát triển bền vững từ rất sớm: Bác luôn nhấn mạnh phải quan tâm đến con người và đặt con người ở vào vị trí trung tâm. Bác bảo: “vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.
Bản di chúc của Bác Hồ là một văn kiện mẫu mực về tinh thần phát triển bền vững. Lúc sinh thời, Bác phát động tết trồng cây hằng năm. Trước lúc ra đi, Bác yêu cầu hỏa táng và trồng cây để có bóng mát cho bà con, để bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan!
Bác bảo: “Phải chăm lo đời sống người lao động”. Khi đến thăm doanh nghiệp Bác không lên phòng giám đốc mà xuống thẳng nhà vệ sinh, nhà bếp xem doanh nghiệp chăm lo người lao động thế nào!
Về quan hệ lao động hài hòa, Bác bảo phải bảo đảm “chủ thợ đều lợi”.
Về đối tác công tư: Bác bảo phải bảo đảm “công tư đều lợi”!
Về mở cửa hội nhập, Bác bảo phải “lưu thông trong ngoài”.
Về bình đẳng giới: Bác bảo “phải đặc biệt quan tâm đến cán bộ, công nhân nữ”.
Bác dặn “phải nâng cao năng suất”. Muốn vậy phải “cải tiến kĩ thuật và giữ vững kỷ luật lao động”. Bác định nghĩa thật đơn giản dễ hiểu về năng suất: “sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ”!
Bác cổ vũ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng cũng không quên căn dặn doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người dân, phải kinh doanh có văn hoá, có trách nhiệm, hàng hoá dịch vụ phải có sức cạnh tranh.
Bác nhiều lần nhắc nhở rằng: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất. Nhưng trước hết người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thật thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu, giá cả phải chăng không lừa dối người mua. Sản xuất phải thiết thực và đúng hướng”.
Đó cũng chính là linh hồn và tư tưởng chỉ đạo đối với các cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” và “phong trào năng xuất Việt Nam” mà chúng ta đang phát động!
Bác khuyên các doanh nhân phải lập phường , lập hội, đoàn kết để sản xuất kinh doanh. Bác bảo: “những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không phí tài năng và thời gian”.
Bác kêu gọi các doanh nhân “mau mau gia nhập Công Thương Cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”!
Vì công cuộc “ích quốc, lợi dân” chính là những tôn chỉ, mục đích cao quý nhất của những người làm kinh doanh ngày nay đang theo đuổi!
Về phát triển doanh nghiệp, Bác bảo: “muốn đất nước giầu mạnh, nhân dân ấm no thì phải luôn sắp xếp để có thật nhiều người sản xuất trực tiếp”, tức là phải chăm lo phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Phàn nàn về bệnh hành chính quan liêu, Bác bảo “số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước còn quá nhiều” và “ở một số cơ quan còn quá nhiều cửa ải!”.
Người nói: "Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy". Đó chính là những quan điểm chỉ đạo công cuộc cải cách thể chế hành chính hiện nay.
Mới chỉ điểm lại mấy lời Bác dạy, chúng ta đã thấy tầm tư tưởng vượt thời gian của Bác về kinh tế thị trường, về doanh nghiệp tư nhân, về cải cách và phát triển. Đó là kim chỉ nam, là những giá trị tinh thần vô giá, là điểm tựa vững chắc của Đảng ta, của dân tộc ta trên chặng đường đi tới. Vì nước mạnh dân giàu, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân!.