Đại sứ Cộng hoà Phần Lan: "Tôi rất ấn tượng với Tết cổ truyền của Việt Nam"
Trong không khí cả nước đang hối hả rộn ràng đón xuân mới, dù rất bận, Ngài Kari Kahiluoto - Đại sứ Cộng hoà Phần Lan tại Việt Nam đã dành cho phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp cuộc trò chuyện thú vị.
- Như tôi được biết, ông bắt đầu nhiệm kỳ ở Việt Nam từ năm 2017. Ông nghĩ gì về Việt Nam và văn hoá Việt Nam?
Tôi thấy nói về Việt Nam rất khó vì có quá nhiều điều để nói về đất nước xinh đẹp này. Từ những sản phẩm mang tính biểu tượng văn hóa như áo dài, tranh sơn mài đến những di tích lịch sử mang tính biểu tượng chiến tranh như địa đạo Củ Chi hay phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, những hình ảnh cuộc sống thường ngày quen thuộc như xe máy trên đường phố hay quán phở bốc khói thơm phức, tất cả đều hiện lên trong suy nghĩ của tôi lúc này.
Nhưng nếu chỉ được chọn một từ để nói về Việt Nam thì tôi chọn từ “tình cảm”. Việt Nam trong tôi là một đất nước đầy tình cảm. Tôi sống ở Hà Nội gần 3 năm nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của người Việt dành cho cho nhau và cho những người nước ngoài như tôi.
Ví dụ như người Việt luôn chia sẻ niềm vui với nhau, đi thăm hỏi động viên người ốm. Có lần khi thấy tôi đang tìm đồ thất lạc, mọi người hỏi han và giúp tôi tìm đồ giống như họ mới là người bị mất đồ vậy.
Trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam, tôi cũng hiểu ra rằng hỏi thông tin cá nhân của người khác trong lần gặp đầu tiên, chẳng hạn như “có gia đình chưa” hay “lấy chồng Việt Nam không?”… cũng là một cách thể hiện tình cảm của người Việt Nam đối với người nước ngoài.
Mọi thứ thật sự rất thú vị đối với tôi!
- Trong mắt ông thì Tết cổ truyền của Việt Nam như thế nào ạ?
Tết ở Hà Nội rất lạ lẫm, huyền ảo. Cả Thủ đô như ngợp trong âm thanh ồn ào, người người đi lại sắm tết trong màu sắc của biết bao loài hoa, đặc biệt là hoa đào, trong mùi hương của các phố ẩm thực với các món ăn tất niên.
Tôi cũng bị cuốn vào cái không khí sắm tết độc đáo đó. Tôi nhận ra, lân la vỉa hè giúp tôi sớm phát hiện ra những món ẩm thực thú vị khác của 36 phố phường.
Sáng mùng Một, mọi người thường ở trong nhà. Ngày đầu năm, phố phường Hà Nội có một không khí yên tĩnh và vắng vẻ hiếm có và đây chính là cơ hội để tôi tha hồ thong dong đi chơi trong thành phố.
Khi xuất hành, mọi người tìm hướng tốt để được may mắn cả năm, tiếp đến là đi lễ chùa để cầu an. Lúc này, tôi chỉ nghe thấy tiếng cười, tiếng chúc tụng, mọi người thân ái bỏ qua những điều không hay.
Tôi rất ấn tượng với những phong tục tập quán trong dịp Tết của các bạn. Nó khác rất nhiều so với ngày Tết tại đất nước Phần Lan của chúng tôi!
- Ông có thể chia sẻ kỷ niệm không thể quên trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam?
Nếu coi văn hóa Việt là trái tim thì đích thị mâm cỗ Tết là con đường dẫn lối, đưa tôi tới trái tim ấy! (Cười)
Năm 2017 là năm đầu tiên tôi biết thế nào là cỗ mồng Một. Năm ấy, tôi được gia đình một người bạn Việt Nam mời tới nhà dùng bữa, và khi nhìn thấy một mâm cỗ Tết với cả chục món được bày kín trên bàn ăn, tôi đã thực sự "đứng hình" vài giây.
Ôi những người bạn Việt Nam, tôi cứ ngỡ như mình được đi dự một buổi yến tiệc vậy! Trong bữa tiệc đó, lần đầu tiên tôi được nếm thử các món ăn truyền thống vào dịp Tết của các bạn như nem rán, xôi gấc, canh măng khô ninh với móng giò nóng hổi, hay đĩa bóng xào rau củ sần sật! Thực sự là một buổi yến tiệc.
Sau bữa cơm ấm cúng và hoành tráng năm ấy, tôi đã học được một điều thú vị mà tôi coi là bí kíp. Với món bánh chưng, các bạn không dùng dao để cắt mà chiếc bánh được chia đều thành nhiều phần bằng những dây lạt trắng ngà. Bọn trẻ thì lại rất thích thú với phần thịt còn sót trên mấy sợi lạt sau khi mẹ chúng chia bánh. Tôi cũng đã thử làm và thấy mình rất có khiếu.
Tôi thấy rằng, món bánh chưng nói riêng hay mâm cỗ ngày Tết của người Việt nói chung không đơn giản chỉ là ẩm thực mà còn là văn hóa và chứa đựng cả một bề dày lịch sử truyền thống.
- Tết Canh Tý năm nay ông có dự định gì không ạ?
Đây là cái Tết thứ ba của tôi ở Việt Nam, gồm hai lần ở Hà Nội và một lần ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm của tôi trong những ngày lễ ở Việt Nam là chúng ta chỉ nên ở nhà, bởi vì vào những ngày này, cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều rất yên tĩnh.
Đối với tôi đây thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời tại thành phố. Do đó, gia đình tôi chọn cách ở lại thành phố, nghỉ ngơi trong nhà, đi thăm một số người bạn.
Tôi xem đây là cách biểu thị lòng cảm ơn với những nhân viên, những người bạn đã hết lòng hỗ trợ chúng tôi trong năm qua.
- Từngđón Tết ở thành phố Hồ Chí Minh và bây giờ là tại Hà Nội, ông có nhận thấy những khác biệt nào?
Với tôi thì điểm khác biệt không nhiều lắm, nhưng thời tiết miền Bắc vào dịp Tết thường se lạnh và thường có một chút mưa nhẹ. Màu sắc của Tết thì chuyển từ màu vàng của hoa mai tại thành phố Hồ Chí Minh sang màu hồng của hoa đào ở Hà Nội. Chúng đều rất đẹp vì là loài hoa biểu tượng của hai miền Bắc, Nam.
Đây là lần thứ hai tôi và gia đình đón Tết ở Hà Nội. Một điều tôi rất thích ở đây là chợ hoa Hàng Lược. Nó thực sự rất đẹp. Các bạn có không gian để cùng gia đình, bạn bè đến thưởng thức cảnh đẹp, tận hưởng không khí ngày Tết.
Ngoài ra thì tôi nhận ra hình như người thành phố Hồ Chí Minh thích đi du lịch vào dịp Tết, trong khi đó người Hà Nội thường có xu hướng ở nhà, thắp hương thờ cúng tổ tiên và đi thăm gia đình, bạn bè.
- Một số ý kiến nói nên nhập ngày Tết âm lịch với dương lịch. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
Tết chính là một giá trị rất “Việt Nam”, ngày này cũng quan trọng như lễ Giáng sinh hoặc lễ Tạ ơn trong văn hoá chúng tôi. Những giá trị truyền thống là rất quan trọng. Như chiếc bánh chưng là biểu tượng thể hiện sự kết nối Đất và Trời, gợi nhớ sự tích về Hùng Vương. Ẩm thực ngày Tết cũng riêng biệt và phản ánh rất nhiều về văn hoá.
Tôi không thể nghĩ Việt Nam khi không còn những ngày Tết sẽ như thế nào. Đó là đặc điểm trung tâm trong truyền thống văn hoá Việt Nam.
Ngoài ra, bên cạnh ý nghĩa văn hoá, tôi nghĩ Tết còn là cơ hội mỗi năm chỉ có một lần, để những người đã từ quê ra phố mưu sinh có thể trở về đoàn tụ bên gia đình, qua đó củng cố sự gắn kết giữa những người trong nhà với nhau.
- Ông đáng giá như thế nào về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam trong năm 2020?
Thời gian qua mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan diễn ra tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục…
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Phần Lan và Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu, tôi hi vọng thời gian tới hai quốc gia sẽ ngày càng tăng cường mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở lợi ích chung, góp phần đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới.
Vai trò của việc hợp tác giữa hai quốc gia vô cùng quan trọng. Phần Lan sẵn sàng cung cấp những dự án, chương trình giúp các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam về lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, truyền thông….
Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm thêm nhiều đối tác để mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư của mình.
- Ông muốn gửi lời chúc gì đến độc giả nhân dịp năm mới?
Nhân dịp năm mới, ở Phần Lan chúng tôi thường chúc nhau những điều tốt đẹp. Cho phép tôi, theo phong tục này xin được chúc nhân dân Việt Nam: sống trong hòa bình và bình yên; tiếp tục bảo vệ vững chắc lợi ích dân tộc của mình; mở cửa rộng hơn nữa, tìm và gặp được những người bạn mới, đồng thời tăng cường các mối quan hệ hợp tác truyền thống; phát triển kinh tế, và với việc này làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và làm giảm đi nỗi buồn của những người nghèo; và giới thiệu thành công với thế giới về những giá trị đáng trân trọng của riêng mình.
Chúc mừng năm mới!
- Xin cảm ơn ông!