Những định hướng của Đảng góp phần dựng xây cơ đồ đất nước
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập. 90 năm với những định hướng đổi mới lớn rất kịp thời của Đảng đã góp phần đưa nước nhà vượt khó khăn, xây dựng nên cơ đồ.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu ra một số định hướng, chỉ đạo quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng qua hai lĩnh vực cơ bản là lĩnh vực chính trị và kinh tế. Cụ thể:
Lĩnh vực chính trị
Tháng 10/1930, Ban chấp hành Trung ương lâm thời họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, quyết định đổi tên từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp theo, Đảng lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nước ta bị chia cắt, miền Bắc được giải phóng, Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam.
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Người để lại một bản di chúc mà nội dung tựa như Cương lĩnh tổng quát xây dựng đất nước sau ngày thống nhất.
Năm 1975, Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước hòa bình thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Đảng cách mạng chân chính sẽ không có thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên!
11:56, 03/02/2020
90 năm - Đảng xứng đáng là người lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân
06:46, 03/02/2020
Năm 1976, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định đổi tên Đảng từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi tên nước từ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1986, khai mạc đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng. Trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày đã ghi rõ: “…trong mười năm qua đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế”. Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh “Đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng… Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết có ý nghĩa sống còn”.
Ngày 21/5/2012, BCH TƯ lần thứ 4 khóa 11 đã nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra một cách cụ thể chi tiết những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về tự diễn biến, trong đó chỉ ra hiện tượng đáng báo động như lợi ích nhóm, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
Đáng chú ý, đến hội nghị lần thứ 11 BCH TƯ khóa 12 đã cho thấy kể từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến 7/11/2019, tổng số cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật là 53.107, BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ đã thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên TƯ khóa 12, 14 nguyên ủy viên TƯ, 1 nguyên phó thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự… Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng - Một việc làm, quyết tâm làm trong sạch Đảng chưa từng có trong lịch sử của Đảng.
Lĩnh vực kinh tế
Có lẽ, dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng là khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu Đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp Quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 FTA); có 71 nước TPP đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018..v..v.
Chắc chắn, những dấu ấn lãnh đạo kinh tế, chính trị của Đảng sẽ tiếp tục được ghi nhận và thể hiện thông qua tổ hợp các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức đại hội Đảng toàn quốc khóa 12 và tới đây, cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác trong các hội nghị Trung ương. Và toàn thể Đảng viên, nhân dân Việt Nam cũng sẽ tự tin, vững bước dưới lá cờ của Đảng.
Cuối cùng, xin dẫn lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.