"Nghiêm cấm lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán"
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 vào chiều ngày 5/2.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong 2 phiên giao dịch 30 và 31/1, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, mất 45 điểm, tương đương khoảng 4,54%.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá đây là mức giảm khá sâu do yếu tố cộng dồn sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài ra cũng phần nào do ảnh hưởng tâm lý dịch bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết mức giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương nhiều nước châu Á, đặc biệt là những nước phát hiện người có nhiễm nCoV.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Hong Kong đã giảm điểm 9,4%; Hàn Quốc giảm 5,8%, còn thị trường Thái Lan cũng giảm 5.4%. Tuy nhiên, các phiên giao dịch sau đó chứng khoán đã dần phục hồi, có phiên đã tăng.
“Bộ Tài chính đang yêu cầu tích cực tuyên truyền ổn định tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời Ủy ban Chứng khoán yêu cầu công ty chứng khoán và 2 sở giao dịch báo cáo hàng ngày. Cấm lợi dụng dịch bệnh làm giá chứng khoán”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Về giải pháp ngắn hạn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt diễn biên thị trường quốc tế, yêu cầu 2 sở giao dịch tăng cường giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày.
Đồng thời, nhà nước sẽ xử lý nghiêm hành vi trục lợi và tung tin đồn. Bộ Tài chính sẽ yêu cầu báo cáo hàng ngày, đặc biệt là ký quỹ, tăng cường cung cấp thông tin cho truyền thông.
Có thể bạn quan tâm
Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng
19:31, 05/02/2020
Đã tính đến gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch Corona
19:00, 05/02/2020
GDP năm 2020 có thể chỉ đạt 6,09-6,27% nếu không khống chế được dịch Corona
18:46, 05/02/2020
Phải vượt qua khó khăn để một lần nữa “mặt trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam”
17:22, 05/02/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020
14:00, 05/02/2020
Có thể thấy, dịch viêm phổi corona đang là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp sẽ chịu áp lực không nhỏ khi lượng khách du lịch giảm đột ngột.
Trong các doanh nghiệp trên sàn, dễ nhận thấy nhất là hai doanh nghiệp hàng không Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet (VJC), vì khai thác các tuyến bay trong khu vực châu Á là chính.
Việc gián đoạn tour du lịch Trung Quốc qua Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới số lượng khách, chưa kể khách du lịch thường đi du lịch một vòng qua lại các điểm du lịch mỗi tour.
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều nhà đầu tư nhận diện rủi ro có thể lan rộng, nên kiên quyết bán cổ phiếu nhóm hàng không, đặc biệt phiên cuối tuần qua, cả hai cổ phiếu đóng cửa tại mức giá sàn; lũy kế 2 phiên đầu Xuân, VJC giảm 11,3%, HVN giảm 13,26%...
Tổng mức giảm nhóm cổ phiếu ngành hàng không gấp đôi so với chỉ số chung của thị trường (VN-Index giảm 5,53%, VN30 giảm 6,65%).
Thực tế này cho thấy, nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với cổ phiếu ngành hàng không hơn các ngành khác nói riêng và thị trường nói chung.
Bên cạnh doanh nghiệp hàng không, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng du lịch cũng bị ảnh hưởng khi tỷ lệ thuê phòng ở các khu du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… giảm do lượng khách Trung Quốc giảm.
Có thể kể tên một số doanh nghiệp như Vinpearl của Vingroup (VIC); Tập đoàn C.E.O (CEO) sở hữu nhiều bất động nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, bao gồm dự án Best Western Premier Sonasea; Hodeco (HDC) có dự án khách sạn nghỉ dưỡng Fusion Suites Vũng Tàu; Phát Đạt (PDR) có chiến lược phát triển bất động sản ở các tỉnh miền Trung với dự án ở Bình Định, Phú Quốc; Tập đoàn FLC (FLC), Hưng Thịnh (HTN) cũng đẩy mạnh quá trình đầu tư dự án tại các tỉnh miền Trung…
Trong ngắn hạn, những dự án condotel đang vận hành gặp khó khăn về lượng khách duy trì, trong khi các dự án condotel mới khó huy động vốn, gây nên áp lực nhất định cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án, bởi các dự án ven biển chủ yếu phục vụ du lịch.
Không ít doanh nghiệp khác chịu tác động tiềm ẩn từ dịch cúm do Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu cũng như tiêu thụ lớn của thế giới và là thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Một số cửa khẩu Trung Quốc hiện tạm dừng thông quan.
Nếu hoạt động hạn chế giao thương kéo dài sẽ gây áp lực lên nông sản Việt Nam về việc tìm nơi tiêu thụ.