Tìm ra đường lây nhiễm virus corona, Bộ Y tế có khuyến cáo mới
Các nhà khoa học đã xác định có 3 con đường chính lây truyền virus corona. Vì thế, Bộ đã có khuyến cáo mới các biện pháp ngăn ngừa loại virus này.
Theo Bộ Y tế, đến 12h ngày 6/2, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) cho thấy trên thế giới có 28.281 người nhiễm bệnh bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virrus corona. Trong đó, tại lục địa Trung Quốc là 28.023 trường hợp. Số ca tử vong là 565 trường hợp. Còn tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm virus corona, chưa có trường hợp tử vong.
Cũng theo Bộ Y tế, trong số 10 trường hợp nhiễm virus corona, nhiều nhất là Vĩnh Phúc với 5 trường hợp. Đây là đoàn công nhân của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cách đây 2 tháng được cử sang TP. Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn. Sau khi về Việt Nam, 5/8 người trong đoàn đã được xác định nhiễm virus corona.
Theo Bộ Y tế, sau khi về nước, từ cuối tháng 1/2020, ngành y tế đã cách ly 8 người trong đoàn để theo dõi. Và đến nay, có thể khẳng định đây là ổ dịch nên ngành y đã tiến hành các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, khoanh vùng. Cụ thể, với các tỉnh khác Bộ chỉ thực hiện cách ly 3 vòng, nhưng riêng tại Vĩnh Phúc, Bộ thực hiện cách ly 4 vòng.
Cụ thể: Vòng một là tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh (8 người) phải cách ly tuyệt đối tại BV. Vòng hai là cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú với những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam. Vòng ba là cách ly hạn chế những người tiếp xúc người bệnh. Vòng bốn là người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay việc cách ly này đã mang lại hiệu quả. Ngoài 5 người nhiễm bệnh, 3 trường hợp khác chưa có biểu hiện nhiễm bệnh. Các trường hợp người thân đã tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm bệnh cũng chưa có dấu hiệu mắc bệnh.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ đã lên kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong đó, tình huống xấu nhất là có tới hàng trăm người nhiễm bệnh. Các bệnh viện cũng đã dành sẵn 3.000 giường bệnh để khi có nhiều bệnh nhân sẽ điều trị kịp thời. Ví như, ở phía Bắc, ngoài Bệnh nhiệt đới TƯ, khi có nhiều người nhiễm bệnh, Bộ sẽ trưng dụng tòa nhà 500 giường mới xây của BV Bạch Mai để điều trị,…
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ khách hàng trước đại dịch Corona
12:56, 06/02/2020
Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Corona
12:06, 06/02/2020
Ứng xử với người lao động bị cách ly do corona như thế nào?
11:46, 06/02/2020
Thử nghiệm thuốc chống lại virus corona 2019-nCov
07:59, 06/02/2020
Phân khúc bất động sản nào ít bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Corona?
07:50, 06/02/2020
Bình tĩnh khi đối phó với virus Corona
06:00, 06/02/2020
Tâm lý kỳ thị: "Dịch bệnh" âm thầm bùng nổ cùng dịch cúm Corona
01:30, 06/02/2020
Xác định con đường lây nhiễm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thành Long, sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra phương thức lây truyền của virus corona (nCov). Theo đó, các nhà khoa học xác định, loại virus này có 3 phương thức lây truyền chủ yếu.
Thứ nhất, đó là lây qua không khí. Việc lây nhiễm virus quan con đường này là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp. Tuy nhiên, khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây rất thấp.
Thứ hai, là lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang mầm bệnh qua các hoạt động như bắt tay, ôm, hôn,….
Thứ ba là lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn. Cụ thể, khi virus ra ngoài, tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải... Khi đó, nếu người lành sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt mũi miệng thì có thể bị lây nhiễm.
Ngoài ra, có thể lây qua phân từ người nhiễm bệnh, nhưng đường lây này chưa có cơ sở khoa học.
Hiện nay, việc người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế khiến thị trường lên cơn “sốt”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ người dùng hoàn toàn khỏi virus.
Việc đeo khẩu trang chỉ là một phần để phòng tránh dịch bệnh, ngăn ngừa trực tiếp việc bắn dịch, nước bọt từ người có virus sang người bình thường. “Virus này nhạy cảm với nắng, với tia cực tím, với nhiệt độ và gió. Vì thế, người dân phải mở cửa để thông thoáng khí. Nếu ở trong điều kiện tự nhiên có nhiều nắng như miền Nam hay Tây Nguyên thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang, xuất phát từ tính khoa học của nó. Vì vậy, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi”, Thứ trưởng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, không phải ai cũng cần đeo khẩu trang y tế. Người dân có thể đeo khẩu trang vải thông thường với điều kiện giặt và thay hàng ngày. Nếu ngày nào mọi người cũng dùng nhiều khẩu trang y tế thì sẽ mất cân đối cung cầu, người dân nên nghe theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế để có thể phòng tránh được bệnh dịch.
Sau khi xác định được các con đường lây nhiễm, Bộ Y tế đã có khuyến cáo mới gửi cộng đồng nhằm phòng tránh bệnh viêm phổi cấp do virus corona.
Theo đó, người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi người nhiễm virus nCoV; Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi...; Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.