Dồn lực nâng cao năng suất lao động quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, trong đó thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Theo đó, trong quá trình phát triển đất nước, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững.
Trên thực tế, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể thời gian qua, tuy nhiên, chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Xin-ga-po; 19% của Ma-lai-xi-a; 37% của Thái Lan; 44,8% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55,9% NSLĐ của Phi-li-pin.
Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Xin-ga-po và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Ma-lai-xi-a từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất (2019) của APO, tính trên mỗi giờ, NSLĐ của Việt Nam đạt mức 5,2 USD (PPP, 2011) chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar, thấp hơn Lào. So với Singapore, NSLĐ của Việt Nam chỉ đạt khoảng 8%, và 35,86% khi so với Thái Lan.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam: tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn.
Cải cách khu vực tài chính ngân hàng, ưu tiên dòng vốn vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn. Cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy, mặc dù vị trí của Việt Nam đã tăng lên 10 bậc so với năm 2018 đạt 61,5 điểm và ở hạng 67/141 quốc gia được xếp hạng, tuy nhiên một số chỉ số quan trọng liên quan đến đổi mới, sáng tạo vẫn ở mặt bằng thấp như năng lực đổi mới sáng tạo đứng vị trí thứ 76, tính năng động kinh doanh ở vị trí 89, kỹ năng lao động đứng vị trí 93, kỹ năng số hóa ở vị trí thứ 97, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ở vị trí thứ 116, chất lượng đào tạo nghề ở vị trí 102…Đây là những nhân tố hết sức quan trọng liên quan đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư sâu vào cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng suất
16:54, 20/12/2019
Nâng cao năng suất ngành thủy sản trước rào cản áp ‘thẻ vàng’
02:10, 16/11/2019
Tăng trưởng của Việt Nam chưa tạo được đột phá về năng suất lao động
09:49, 30/10/2019
Quý IV/2019, sẽ có "nhạc trưởng" dẫn dắt vấn đề năng suất lao động
11:00, 19/08/2019
Đột phá năng suất lao động từ doanh nghiệp
05:00, 11/08/2019
Thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào "Năng suất lao động quốc gia". Chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020; xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong tháng 9 năm 2020; xây dựng chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10 năm 2020. Xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2020.
Nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 8 năm 2020. Khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất, tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO. Xây dựng và triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử. Tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo.
Bộ NN&PTNT xây dựng chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công nghiệp hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp.
Bộ GD&ĐT rà soát, nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế chung của thế giới, ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng, nhất là đối với những ngành, nghề có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, đến hoạch định chính sách phát triển đất nước. Nghiên cứu, sớm triển khai phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở.
Bộ LĐTB&XH hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục chương trình, phương pháp đào tạo, đánh giá giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và việc làm bền vững. Nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm.
Hoàn thiện cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao
Bộ TTTT thông đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, đôn đốc khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, các cơ quan nhà nước và người dân và phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số quốc gia. Kết nối các doanh nghiệp ICT với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Bộ Tài chính đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra nhằm thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tích cực thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Bộ Nội vụ khẩn trương triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công). Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; chỉ đạo đẩy nhanh việc đào tạo lại, nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tương thích, đủ năng lực vận hành chính quyền điện tử.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đẩy nhanh việc sắp xếp, cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban và các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phù hợp với năng lực quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh ở một số ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, phát huy lợi thế so sánh; nghiên cứu, thực hiện Đề án mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp phải theo chuẩn mực hiện đại.