Cuộc đua điều chế vắc xin chống Covid-19

Anh Duy 12/02/2020 15:09

“Cuộc đua” sản xuất vắc xin chống chủng virus corona mới (Covid-19) gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc cũng bắt đầu trên toàn thế giới chỉ vài giờ sau khi xác định được chủng virus.

Nhưng theo các chuyên gia y tế, đưa vắc xin từ phòng thí nghiệm ra sử dụng rộng rãi trên bệnh nhân không phải là chuyện dễ dàng, vì nhiều trở ngại như mở rộng năng lực sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối.

Trung Quốc tiến hành thử nghiệm

Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vắc xin mới ngừa Covid trên 100 con chuột.

Một công ty ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã sản xuất các mẫu vắc xin ngừa virus corona mới (Covid-19) gây viêm phổi Vũ Hán vừa được thử nghiệm trên động vật. Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học Đồng Tế đã thử nghiệm vắc xin mới ngừa Covid trên 100 con chuột, đồng thời cho biết sẽ mất vài ngày để xem liệu những con chuột này có tạo ra kháng thể để ngăn chặn Covid hay không.

Sau đó, vắc xin “sáng giá” nhất sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên những loài động vật lớn hơn như loài khỉ. Quá trình này sẽ cho phép các nhà khoa học đánh giá mức độ an toàn của vắc xin trước khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc hy vọng có thể bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng sâu hơn vào đầu tháng 4, nếu các cuộc thử nghiệm vắc xin ngừa Covid gây viêm phổi Vũ Hán trên động vật tiến triển tốt.

Trong khi đó, tại Tokyo, Nhật Bản, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) vừa nuôi cấy và cô lập thành công chủng Covid từ một bệnh nhân nhiễm virus này.

Theo NIID, chuỗi gene của chủng virus đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gene của Covid mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố. Trong virus đã được cô lập này, không có bất cứ sự biến đổi nào về gene có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế ứng phó dịch Covid-2019

    14:39, 12/02/2020

  • Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất khu vực vì dịch cúm Covid-19

    14:00, 12/02/2020

  • WHO đổi tên dịch nCoV thành “COVID-19”

    08:00, 12/02/2020

  • Việt Nam sẽ thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 4 tuần

    06:00, 12/02/2020

Với thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển vắc xin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh Covid. Bên cạnh đó, NIID dự định sẽ chia sẻ chủng virus đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.

Còn tại Australia, các nhà nghiên cứu đã được giao nhiệm vụ xác định những đặc tính chủ yếu của chủng Covid để chuẩn bị cho việc thử nghiệm vắc xin phòng bệnh.

Theo đó, Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) toàn cầu đã đề nghị Cơ quan Khoa học Liên bang Australia (CSIRO) nghiên cứu, xác định thời gian cần thiết để phát triển và nhân bản của virus corona cũng như tác động của nó đến hệ hô hấp và cách truyền bệnh.

CSIRO sẽ tiến hành nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thú y Australia tại Geelong, bang Victoria, một trong 5 phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Sau khi có được đầy đủ thông tin cần thiết về virus corona, các nhà khoa học CSIRO sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin với sự trợ giúp của một tập đoàn thuộc CEPI nhằm rút ngắn thời gian bào chế vắc xin từ vài năm xuống còn vài tuần.

Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở thành phố Melbourne cũng đã lần đầu tiên tái tạo được virus corona trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc.

Tại Israel, Thủ tướng Netanyahu cho biết Viện nghiên cứu sinh học và Bộ Y tế nước này đã được giao nhiệm vụ phát triển vắc xin phòng chống virus corona. “Mục tiêu trước tiên của chúng tôi là làm chậm sự lây lan của virus này tới Israel. Tôi nói 'làm chậm' bởi vì sự lây lan là tất yếu và loại virus này sẽ đến”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Trước đó, Viện Pasteur Paris thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới. Thành quả này là một bước tiến lớn tại châu Âu trong việc nghiên cứu vắc xin và lập phác đồ điều trị. Trước đó, Trung Quốc và Australia cũng đã thành công trong việc nuôi cấy này.

Anh Duy