Bài học "xương máu" cho ngành nông nghiệp nhìn từ dịch COVID-19

Sông Hàn 14/02/2020 05:30

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nông sản của chúng ta, nếu thị trường này “bình yên” thì không sao, nhưng hễ “có biến” là y như rằng, ngành nông sản nước nhà lại một phen điêu đứng.

"Giải cứu nông sản" là cụm từ thường xuyên được nghe thấy trong nhiều năm qua chứ không chỉ trong dịch COVID-19

Mới đây, thông tin việc Trung Quốc tiếp tục lùi thời hạn thông quan hàng hóa tại các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020 đang làm dấy lên những lo lắng đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là dưa hấu và thanh long.

Câu chuyện lần này đáng lưu tâm hơn khi thanh long, dưa hấu không xuất khẩu được do ảnh hưởng dịch cúm Corona nên dội về thị trường nội địa, nhưng nó vẫn cùng một bản chất.

Theo đó, chuyện ùn ứ nông sản tại cửa khẩu không còn là câu chuyện mới, cũng như  việc Trung Quốc ngừng mua, giá giảm, nông dân thua lỗ có lẽ là câu chuyện buồn dài tập của nông sản Việt vì tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm qua.

Thực tế là như vậy và đã diễn ra nhiều năm nay. Không phải chỉ khi có dịch COVID-19 xảy ra, chúng ta mới chứng kiến cảnh nông sản ùn tắc ở cửa khẩu Trung Quốc, mà câu chuyện này đã trở thành thường niên, đã trở thành nỗi ám ảnh của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông  sản cũng như người tiêu dùng cả nước. Đó cũng là lý do tại sao, người ta không còn lạ lẫm khi nghe cụm từ “giải cứu nông sản”.

Dần dà, câu chuyện trên trở nên không quá khó hiểu. Bởi, Trung Quốc được ví là “chợ” tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta lại không chịu đi sang ngôi chợ 1,4 tỷ dân này để xem họ đang cần gì mà thụ động ngồi nhà chờ được hỏi mua.

Có thể bạn quan tâm

  • “Giải cứu” nông sản trong mùa dịch Covid-19

    11:01, 13/02/2020

  • Các siêu thị chung tay "giải cứu" nông sản

    08:00, 07/02/2020

  • Câu chuyện quả thanh long và bài toán giải cứu nông sản

    02:10, 07/02/2020

  • Hải Dương: 20 doanh nghiệp “giải cứu” cà rốt

    11:54, 15/01/2020

  • Lối thoát cho các ngành kinh tế chịu tác động từ covid-19?

    03:49, 13/02/2020

  • [Tác động của Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 1) Sản xuất kinh doanh bị đình trệ

    20:41, 12/02/2020

  • [Tác động của Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 2) Hai kịch bản đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu

    06:00, 13/02/2020

Liên quan đến vấn đề này, tôi vẫn khá ấn tượng với bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trao đổi mua bán nông sản với thương lái Trung Quốc khi bà nói “muốn bán hàng thì phải đi chợ”.

Bà ví von rất hay rằng, Trung Quốc đang là “chợ” lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta gần như không đi chợ mà chỉ thụ động ngồi chờ họ đến mua. Còn “nông sản Việt Nam như đang một cô gái quê danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh”. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang.

Mặt khác, để xảy ra tình trạng này, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, do phần lớn các sản phẩm nông sản vẫn sản xuất theo lối tự phát, manh mún, chưa làm tốt khâu chế biến sau thu hoạch, thiếu sự liên kết cho nên các sản phẩm của người nông dân làm ra hầu hết không đạt được các tiêu chuẩn, quy định quốc tế.

Từ đó, người nông dân cần được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc đào tạo nghề, quy trình sản xuất để sản phẩm làm ra không chỉ sạch mà còn đẹp để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…v..v.

Có lẽ, hàng loạt bài học về nông sản ùn tắc, giải cứu nông sản mà ngành nông nghiệp đã trải qua, đã đúc kết… Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự chung tay của nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và nhà quản lý để không chỉ giải tỏa được tình trạng hàng hóa ứ đọng tại khu vực cửa khẩu mà còn đưa ngành nông sản nước nhà hội nhập một cách bền vững.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn sản lượng nông sản của chúng ta, nếu thị trường này “bình yên” không có biến cố gì thì không sao, nhưng hễ “có biến” là y như rằng, ngành nông sản nước nhà lại bị một phen điêu đứng.

Có điều nên nhớ, những sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, vải, nhãn, xoài và cả thanh long… của Việt Nam là những sản phẩm đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất. Vì thế, chúng ta không thể mãi phụ thuộc vào một thị trường để rồi khi có sự cố lại phải ngậm ngùi động viên, tự giải cứu cho nhau.

Nói cách khác, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng, nhưng đã đến lúc chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Nhất là khi Việt Nam đang tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. EVFTA, CPTPP cũng như các FTA khác cần phải là những mục tiêu xuất khẩu chính của ngành nông sản nước nhà.

Đó mới là định hướng để ngành nông sản nước nhà phát triển ổn định và bền vững.

Sông Hàn