Sử dụng thuốc đông y 3.000 năm cho điều trị COVID-19

Anh Duy 17/02/2020 04:00

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền Trung Quốc và Tây y là chìa khóa quan trọng trong việc chống lại dịch bệnh COVID-19.

Tính đến 18 giờ 32 phút ngày 16-2, tổng số người tử vong trên toàn cầu vì dịch COVID-19 là 1.669 và số ca nhiễm là 69.268.

Y học cổ truyền được áp dụng điều trị cho hơn nửa số bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc (tức hơn 27.200 người)

Y học cổ truyền được áp dụng điều trị cho hơn nửa số bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc tức hơn 27.200 người. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg dẫn lời tân Chủ nhiệm Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Wang Hesheng cho biết các bệnh viện ở Vũ Hán đã kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc với thuốc Tây để điều trị cho hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona (COVID-19) ở Hồ Bắc.

Theo ông Wang, các chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền Trung Quốc đã được cử đến Hồ Bắc để nghiên cứu và điều trị, khoảng 2.200 bác sĩ Đông y đã được điều tới Hồ Bắc. “Những nỗ lực của chúng tôi đã cho một số kết quả tốt”, ông Wang nói.

Trước đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Vương Hạ Thắng cũng cho biết, y học cổ truyền Trung Quốc không chỉ được dùng để điều trị cho hơn nửa số bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra tại tỉnh Hồ Bắc, mà còn được dùng như một biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở cấp cộng đồng.

"Từ khi bùng phát dịch bệnh, chính quyền đã kết hợp y học cổ truyền và y học phương Tây, huy động lực lượng nghiên cứu khoa học và y tế ở cả hai lĩnh vực để điều trị bệnh nhân", ông Vương Hạ Thắng nói.

Trên thực tế, đến nay vẫn không có loại thuốc đặc trị nào được phê chuẩn chính thức để đối phó với COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.669 người. Đặc biệt, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Bất chấp hàng ngàn bác sĩ từ khắp Trung Quốc đã được tăng cường tới đây và hai bệnh viện mới được xây dựng chỉ trong vài ngày, Hồ Bắc vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân viên y tế và nguồn cung cấp thiết bị, dụng cụ. 

Có thể bạn quan tâm

  • WHO: Dịch COVID -19 có thể sẽ nghiêm trọng hơn và kéo dài

    10:11, 15/02/2020

  • Việt Nam sẽ thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 4 tuần

    06:00, 12/02/2020

  • Cuộc đua điều chế vắc xin chống Covid-19

    15:09, 12/02/2020

  • Vắc xin chống virus corona đang được điều chế thế nào?

    11:06, 01/02/2020

Tuy nhiên, các nhà khoa học và các bác sĩ trên thế giới cũng đang hi vọng các loại thuốc kháng sinh sẵn có hiện nay có thể giúp điều trị các triệu chứng bệnh phát sinh từ chủng virus này. Tại Việt Nam, đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới” cũng được khởi động với mục tiêu sẽ thử nghiệm trong vòng 4 tuần hoặc có 10 người bệnh được điều trị lopinavir/ritonavir.

Trên cơ sở đó, trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới.

Trong khi đó, theo Đài BBC, một trong những phương pháp điều trị tiềm năng hiện nay là điều trị bằng thuốc kháng virus mà ban đầu được phát triển để chống lại virus Ebola, có tên gọi là Remdesivir của Mỹ. Bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới tại Mỹ đã được điều trị bằng loại thuốc này và đã hồi phục chỉ trong vài ngày.

Các bác sĩ tại một bệnh viện của thành phố Vũ Hán, trung tâm khởi phát dịch COVID-19, cũng đang tiến hành một nghiên cứu lâm sàng liên quan đến Kaletra, một biệt dược kết hợp hai loại thuốc dùng trong điều trị HIV (lopinavir và ritonavir) của Hãng AbbVie (Mỹ) trong điều trị triệu chứng bệnh do virus corona chủng mới gây ra. 

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Li Lanjuan, như báo South China Morning Post đưa tin, cho biết các thí nghiệm sơ bộ của nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang cho thấy hai loại thuốc kháng virus là Arbidol và Darunavir có hiệu quả trong việc kiềm chế sự sinh sôi của virus corona chủng mới. Arbidol là một thuốc kháng virus mạnh dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh cúm trong khi Darunavir dùng trong điều trị HIV. 

Chuyên gia dịch tễ Lanjuan đã kêu gọi bổ sung hai loại thuốc mới vào chương trình của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc để điều trị viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Hiện nay hai loại thuốc này cũng đã được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus tại tỉnh Chiết Giang.

Trước đó, theo trang Chinadaily (website tiếng Anh của tờ Nhân Dân Nhật báo) vào ngày 6/2, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có phương thuốc nào hiệu quả, thì có một tín hiệu đáng mừng là Dự án nghiên cứu khoa học khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 do Cục quản lý Y học cổ truyền Trung Quốc tổ chức và thực hiện đã đạt được nhiều tiến triển.

Đánh giá quan sát lâm sàng tại 4 tỉnh, thuốc nước giải độc lọc phổi đạt hơn 90% hiệu quả trong việc trị liệu viêm phổi do nhiễm virus nCoV.

Các chuyên gia đánh giá, thuốc nước giải độc lọc phổi là sự kết hợp tổng hợp tối ưu của các đơn thuốc cổ truyền, điều trị sốt cảm ngoại sinh do các tác nhân ngoại cảnh gây ra, có từ thời nhà Hán.

Trong chuyến thăm bệnh viện Đông y ngày 14/2, ông Zhang Boli, Chủ tịch Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân, hiện là Tổng giám đốc và Chủ tịch danh dự của bệnh viện dã chiến Đông y tại Vũ Hán, cho biết: "Tôi hy vọng có thể tái lặp kinh nghiệm của Thiên Tân trong chống dịch SARS vào năm 2003 với Vũ Hán".

Ngày 15/2, theo trang Chinadaily, nhóm 50 bệnh nhân nhiễm nCoV đã được chuyển sang một bệnh viện dã chiến nơi được điều hành hoàn toàn bởi các bác sĩ Đông y. "Các loại thuốc mới và vaccine chống nCoV vẫn đang được phát triển. Tuy nhiên, thuốc Đông y Trung Quốc đã được chứng minh hiệu quả trong cải thiện hệ miễn dịch và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong những ngày gần đây. Chúng tôi có thể đóng góp vào cuộc chiến này", ông Liu Qingquan, quyền Chủ tịch bệnh viện cho biết.

Anh Duy