[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Tầm nhìn an ninh năng lượng quốc gia

Nguyên Long thực hiện 21/02/2020 06:30

Mặc dù trong thời gian qua ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhưng chúng ta cũng đứng trước rất nhiều những thách thức trong tương lai.

Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký, ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị được giới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đánh giá cao, trong bối cảnh các Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ 8) đang được lên kế hoạch triển khai xây dựng…

TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PV Nguyên Long có cuộc trao đổi với TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về góc nhìn của ông về quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 của Trung ương:  

- Thưa ông, là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, xin được hỏi cảm xúc của ông khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?

Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà các chuyên gia và tất cả cán bộ làm trong ngành năng lượng đều rất phấn khởi và đón nhận Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Cách đây 12 năm Bộ Chính trị cũng đã ra Nghị quyết số 18 ngày 25 tháng 10 năm 2007 - Khoá 10 - về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Khi ấy, trong bối cảnh Việt Nam đang còn là một nước xuất khẩu năng lượng. Nhưng như chúng ta đã biết từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành một nước nhập khẩu năng lượng, và chúng ta phải chấp nhận các dòng chảy năng lượng theo quy luật của thị trường năng lượng thế giới.

Hiện nay chúng ta mới tiêu thụ năng lượng tính theo bình quân đầu người về điện là khoảng 2.200 kWh/người, trong khi bình quân của thế giới là khoảng 3.450 kWh/người, tức là chúng ta mới tiêu thụ bằng 65% của bình quân đầu người trên thế giới.

Dự báo đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, và quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng hơn gấp đôi hiện nay - và đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện.

Như vậy thì mặc dù trong thời gian vừa qua ngành năng lượng cũng đã đạt được những thành tựu rất đáng kể để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhưng chúng ta cũng đứng trước rất nhiều những thách thức trong tương lai.

Và một số vấn đề của ngành điện gặp phải hiện tại theo chúng tôi là khá lớn, ví dụ như trong giai đoạn từ 2020 – 2024 được dự báo sẽ bị thiếu điện trầm trọng do nguyên nhân một số các nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ cũng như một số các dự án truyền tải cũng đang gặp một số khó khăn…

Trước yêu cầu bức bách cả trong ngắn hạn và trung hạn cũng như tương lai dài hạn ngành năng lượng phải nhập khẩu một lượng năng lượng sơ cấp rất lớn - thì chúng ta phải có một chiến lược hết sức toàn diện và cụ thể để đưa ngành năng lượng phát triển, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển bền vững cho đất nước trong cả việc giải quyết các thách thức ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] EVFTA và cơ hội của nền công nghiệp

    06:00, 31/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG]: Chiến lược quảng bá hình ảnh Quốc gia - Kỳ cuối: KOL và Influence

    06:07, 29/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia-Kỳ IV: Truyền thông trong thời đại mới

    06:07, 28/01/2020

  • [Việt Nam hùng cường] Chiến lược quảng bá hình ảnh Quốc gia - Kỳ III: Cơ chế vận hành, ngân sách và xã hội hoá

    17:06, 27/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Chiến lược quảng bá hình ảnh Quốc gia - Kỳ II: Định vị Việt Nam

    05:10, 27/01/2020

  • Vì một Việt Nam hùng cường và hạnh phúc!

    16:00, 26/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Chiến lược quảng bá hình ảnh Quốc gia - Kỳ I: Chỉ số 7P là gì?

    06:00, 26/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước ta trên đường băng bứt tốc

    09:00, 25/01/2020

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Trên biển người sân bay nơi thành phố top đầu năng động thế giới

    18:00, 24/01/2020

- Với những thách thức mà ông vừa chỉ ra như vậy, theo ông Nghị quyết 55 được ban hành ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?

Tôi cho rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thứ nhất, Nghị quyết đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thời gian vừa qua và chỉ rõ được các nguyên nhân của sự yếu kém đó, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân khách quan.

Như vừa rồi đã nói thì ngành năng lượng phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian tới, trong đó, chúng ta phải giải quyết những tồn tại mà trong giai đoạn trước đã bộc lộ rõ.

Cái thứ nhất là tính không đồng bộ của cả hệ thống pháp lý dẫn đến quá trình triển khai cũng như nhận thức của các bên tham gia trong quá trình phát triển ngành năng lượng.

Thứ hai, chúng ta phải thay đổi lại cơ cấu nguồn năng lượng sao cho hợp lý hơn để đáp ứng được các yêu cầu về cung cấp đủ năng lượng cho quốc gia, và phải đảm bảo được quá trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng ngày càng sạch hơn, xanh hơn, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Chúng ta phải đưa ngành năng lượng theo đúng quan điểm nhất quán của Đảng, đó là Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - thì ngành năng lượng phải nằm trong bối cảnh chung đó để phát triển thị trường năng lượng có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đấy là những ý nghĩa rất quan trọng của Nghị quyết 55 ra đời trong thời điểm này.

- Chắc hẳn ông đã nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 55 của Trung ương vừa ban hành. Xin được hỏi góc nhìn của ông về quan điểm chỉ đạo cũng như bước tiến mới trong Nghị quyết 55 của Trung ương (so với Nghị quyết 18 ban hành năm 2007)?

Với tư cách là người cũng làm trong ngành khoa học năng lượng thì chúng tôi thấy rằng các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 thể hiện rõ được 2 ý rất quan trọng, đó là là tính toàn diện và tính cụ thể .

Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 có 5 ý rất toàn diện và nói được định hướng cốt lõi cho phát triển ngành năng lượng trong tương lai.

Đầu tiên là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia - nó là nền tảng cho mọi sự phát triển tiếp theo.

Thứ hai là phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba là phát triển đồng bộ và hợp lý đa dạng các loại hình năng lượng.

Thứ tư là ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

thứ năm là việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được đưa lên trở thành quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong quan điểm chỉ đạo này thể hiện được rõ, đáp ứng được được yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và nó mang tính thời đại.

Tính thời đại ở đây được thể hiện ở việc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

Nó thể hiện ở ứng dụng những thành tựu của cuộc CNCM 4.0 trong tất cả các phân ngành và lĩnh vực năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng để từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, với sự tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng…

Chúng tôi thấy rằng các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 rất cụ thể nhưng vẫn khái quát được tầm nhìn và mang tính toàn diện sâu sắc.

- Vâng, thưa ông, Nghị quyết của Đảng là chủ trương, định hướng, là “kim chỉ nam” để hành động. Nhưng trong Nghị quyết cũng đã cụ thể hóa rất nhiều vấn đề, các yêu cầu khá cụ thể… Ông nhìn nhận như thế nào về những yêu cầu này?

Các ngành khác thì tôi không có nhiều thông tin nhưng trong lĩnh vực năng lượng thì tôi thấy rằng đây là một Nghị quyết lần đầu tiên vừa mang tính toàn diện, mang tính định hướng cho dài hạn và vừa đưa ra được các yêu cầu, các mục tiêu.

Ở đây có 7 mục tiêu rất cụ thể và có 10 nhiệm vụ giải pháp cũng rất cụ thể và dẫn dắt cả ngành năng lượng cũng như các phân ngành năng lượng phát triển.

Tính cụ thể trong Nghị quyết này nó giúp cho sự hiểu, nhận thức một cách thống nhất từ các cơ quan lập chính sách, ra chính sách cho đến các đơn vị, các doanh nghiệp thực hiện cũng như người dân và nền kinh tế.

Nó tránh được việc có những cụm từ hay những thuật ngữ nói chung chung - dẫn đến việc - kể cả những người ra các chính sách hay các cơ quan quản lý cũng còn có những sự hiểu khác nhau, dẫn đến sự bất đồng bộ, thì Nghị quyết này đã giúp cho các cơ quan triển khai sau này khắc phục được sự hiểu biết khác nhau đó.

Và chúng tôi hi vọng là đến quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, hoặc là các Quy hoạch thì có được sự hiểu biết, thống nhất và nhất quán từ khâu ban hành chính sách đến khâu tổ chức thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyên Long thực hiện