[HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Còn tiếp diễn trong những ngày tới!

Bảo Lam 22/02/2020 09:16

Khí hậu bất lợi còn kéo dài thêm vài ngày nữa, đồng nghĩa với việc các nguồn ô nhiễm tích tụ không phát tán được, chất lượng không khí sẽ còn xấu trong những ngày tới.

Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 22/2.

Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 22/2. Ảnh chụp màn hình: Bảo Lam.

Sáng 22/2, các trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ghi nhận ở ngưỡng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Đối chiếu 5 mức đánh giá về chất lượng không khí (AQI), thì chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt, từ 51-100 được coi là trung bình, từ 101-150 được coi là kém, từ 151-200 được coi là xấu, từ 201-300 được coi là rất xấu, từ 301 trở lên được coi là nguy hại.

Số liệu cập nhật về AQI sáng 22/2 cho thấy lúc 8h00 chỉ số chất lượng không khí đo được tại Long Biên là 164, tại Ô Chợ Dừa là 194 - ở mức xấu, rất có hại cho sức khoẻ con người.

Trước đó, trong hai ngày 20-21/2, các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí cũng đều đưa ra “cảnh báo tím” - ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” bao trùm thành phố Hà Nội, với chỉ số AQI cao nhất lên đến 364.

Đáng chú ý, tên Hà Nội cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ Nhất trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir) quan trắc theo thời gian thực.

Với diễn biến chỉ số AQI trên, Tổng cục Môi trường và Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội đều đưa ra cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng; nhóm người nhạy cảm có thể gặp vấn đề về sức nặng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm soát ô nhiễm không khí phải “mạnh tay” như bia, rượu

    15:34, 14/01/2020

  • Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra chỉ thị khẩn về khắc phục ô nhiễm không khí

    12:00, 25/12/2019

  • “Thủ phạm” gây ô nhiễm không khí, khiến sức khoẻ con người suy giảm

    05:00, 21/12/2019

  • Ô nhiễm không khí: Phòng “bệnh” phải từ “gốc”

    05:03, 19/12/2019

  • "Thoát" ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Trông chờ những... cơn mưa?

    14:48, 16/12/2019

  • Ô nhiễm không khí "khủng khiếp": Người dân cần làm gì để "tự cứu mình"?

    00:00, 16/12/2019

  • Ô nhiễm không khí “khủng khiếp”: Hà Nội xin hãy... vội hơn, quyết liệt hơn

    16:00, 14/12/2019

Có thể nhận thấy trong thời gian gần đây, đường phố Hà Nội đã bớt ùn tắc hơn do học sinh, sinh viên đang nghỉ học phòng chống dịch COVID-19. Một số công trường cũng đã khởi động xây dựng ngay từ đầu năm mới tuy nhiên chưa nhiều vì khá nhiều công nhân lo sợ COVID-19 đang nghỉ ở nhà chờ hết dịch.

Hà Nội mờ mịt bụi vào sáng 22/2. Ảnh: Bảo Lam

Hà Nội mờ mịt bụi vào sáng 22/2. Ảnh: Bảo Lam


Vậy, nguyên nhân nào khiến không khí Hà Nội lại ô nhiễm đến vậy?

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, có thể có những nguồn gây ô nhiễm khác từ hoạt động sản xuất.

“Trong các ngày 20/2 và 21/2 Hà Nội có sương mù, các nguồn ô nhiễm (có thể từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề, từ đốt rác bị tích tụ do ảnh hưởng của khí hậu bất lợi...) không khuếch tán được lên các tầng không khí cao, khiến chỉ số ô nhiễm gia tăng”. - Ông Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, khí hậu bất lợi còn kéo dài thêm vài ngày nữa, đồng nghĩa với việc các nguồn ô nhiễm tích tụ không phát tán được, chất lượng không khí sẽ còn xấu trong những ngày tới.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm Hà Nội trong mấy ngày gần đây, giới chuyên gia môi trường cho rằng, do sự gia tăng của các phương tiện giao thông ngoài đường và hoạt động thi công công trình xây dựng trong bối cảnh sương mù và độ ẩm tăng đã khiến bụi mịn lơ lửng trong không khí. 

Với diễn biến thời tiết và sự gia tăng về phương tiên giao thông, hoạt động xây dựng trên, giới chuyên gia môi trường dự báo ô nhiễm không khí có thể sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đưa ra nhận định, thời điểm đầu năm tháng 2, tháng 3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm.

Do vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng 2, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

Với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Với mức độ ô nhiễm không khí như hiện tại, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài. Nếu ở bên ngoài, cần đeo khẩu trang đúng quy chuẩn để hạn chế ảnh hưởng có hại đến sức khỏe.

Được biết trước đó, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội vào sáng 13/12/2019 đã ở mức ô nhiễm nhất so với các thành phố trên thế giới.

Bảo Lam