CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Là bị can nhưng vẫn… "bảo toàn" chức vụ!?
Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) Lê Huy Toàn dù đã bị khởi tố bị can từ tháng 11/2018, nhưng cho đến nay vẫn tại vị.
Trên đời này có quá nhiều câu chuyện “thật như đùa”, và chuyện bị can Lê Huy Toàn dù đã bị khởi tố hơn 1 năm nhưng vẫn "bảo toàn" chức Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang là một ví dụ điển hình gần đây nhất khiến dư luận thêm một phen ngỡ ngàng, bức xúc.
Ông Toàn đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", và Viện KSND tỉnh phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, hơn một năm qua, bị can này vẫn được tại vị các các chức vụ thành ủy viên, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang.
Hiện tại, trên trang thông tin điện tử của TP Nha Trang vẫn giới thiệu bị can này là phó chủ tịch thành phố, thành ủy viên.
Giải thích về trường hợp này, lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, với các chức vụ kể trên ông Toàn là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy Khánh Hòa quản lý. Vì vậy, việc xử lý về các chức vụ đó đối với ông Toàn là thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Và, việc không xem xét về kỷ luật Đảng và xử lý đối với các chức vụ đã nêu của ông Lê Huy Toàn là bởi trước khi bị khởi tố, ông Toàn không bị xem xét, kiểm tra, thanh tra về các dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng đối đảng viên, theo các quy định xử lý kỷ luật của Đảng.
Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng cho rằng, ông Toàn đã bị cơ quan điều tra trực tiếp tiến hành điều tra, khởi tố luôn và đã bị truy tố.
Có thể bạn quan tâm
CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Có tiền sử bệnh tâm thần vẫn được làm trong... ngành công an
05:00, 07/12/2019
Hiện tại ông Toàn đã bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP Nha Trang nên khi tòa án xét xử, nếu tuyên án ông Toàn có tội và bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ bị xem xét xử lý cách chức, khai trừ Đảng luôn, theo quy định của Đảng.
Đúng là theo quy định của pháp luật, một người được coi là chưa có tội khi chưa có bản án có hiệu lực.
Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng khẳng định, đợi TAND tỉnh Khánh Hòa xử xong, nếu bị can Lê Huy Toàn bị tuyên có tội và bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ xem xét xử lý.
Thế nhưng, xin hãy nhìn thẳng vào thực tế để thấy, đã có nhiều trường hợp tìm cách thay đổi chứng cứ phạm tội trước khi đưa ra xét xử.
Thậm chí, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu thi hành án nhưng chấp hành viên chưa kịp thực hiện các thủ tục thi hành án thì người phải thi hành án đã cố tình chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê tài sản.
Không ai dám "đảm bảo" trong suốt hơn một năm qua được tại vị, bị can kể trên không "tranh thủ" thực hiện các hành vi liên quan đến tham nhũng ở các dự án khác.
Cũng không ai dám khẳng định, trong thời gian tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch thành phố, bị can này không "tranh thủ" tiêu hủy, làm sai lệch nội dung tài liệu, chứng cứ vụ án.
Xét theo lẽ thường, một người ở vị trí cao như vậy phần lớn sẽ có tác động đến những người có chức vụ, quyền hạn, người điều tra, truy tố, xét xử, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án...
Không ai có thể "mạnh miệng" khẳng định rằng, trong suốt hơn một năm qua, bị cán này không tác động, can thiệp gì để nhẹ tội cho mình.
Nếu đã không "đảm bảo" được những tình huống có thể xảy ra kể trên, thiết nghĩ việc của chính quyền TP Nha Trang là phải đình chỉ công tác bị can này để minh bạch hồ sơ, chứng cứ, đồng thời, giữ uy tín cho tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.
Xin hãy mở Luật ra để đọc. Tại Điều 181, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì CQĐT, VKS có quyền kiến nghị với cơ quan quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Các trường hợp gây khó khăn cho việc điều tra được hiểu như sau: Nếu vẫn đảm nhiệm chức vụ đó thì bị can vẫn có thể tiếp tục các hoạt động phạm tội; bị can sẽ gây trở ngại cho việc điều tra như tiêu huỷ hoặc làm sai lệch nội dung tài liệu, chứng từ hoặc gây tác động, ảnh hưởng đến việc khai báo của người làm chứng, người bị hại...
Đừng hỏi vì sao dân bức xúc, đừng hỏi vì sao dân dần mất niềm tin vào chính quyền.
Hãy hành động đúng và đủ để thuyết phục dân, để dân tin vào công lý, vào pháp luật, vào sự điều hành khách quan, minh bạch của chính quyền!