[COVID-19] Chợ hải sản Vũ Hán không phải nơi bắt nguồn dịch bệnh

Anh Duy 23/02/2020 14:13

Những nghiên cứu mới cho thấy chợ hải sản Vũ hán không phải nơi bắt nguồn của SARS-CoV-2, các nhà khoa học cũng loại bỏ khả năng virus này được tạo ra từ Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc).

Theo Global Times, một nghiên cứu mới của các nhóm tác giả tại Trung Quốc vừa công bố trên ChinaXiv-một kho lưu trữ mở của Trung Quốc dành cho học giả, chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) được đưa vào thị trường chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán từ một địa điểm khác. Sau đó, nó lan nhanh từ chợ hải sản sang những điểm lân cận.

Nhân viên một phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu bệnh phẩm sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốcp/Reuters

Nhân viên một phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu bệnh phẩm sau khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát ở Trung Quốc. Ảnh:  Reuters.

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm không liên quan tới chợ Vũ Hán

Những phát hiện này là kết quả phân tích dữ liệu trên toàn bộ gen, nguồn lây nhiễm và đường lây lan của 93 mẫu virus corona được thu tập từ 12 quốc gia trên 4 châu lục.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nhân đầu tiên (còn gọi là bệnh nhân số 0) đã nhiễm SARS-CoV-2 từ một nơi nào đó rồi sau đó mới đến chợ Hoa Nam và lây nhiễm cho những người tại đây. 

Dù trên danh nghĩa là chợ hải sản nhưng khu chợ này chuyên bán động vật hoang dã trái phép. Do người mua bán đông đúc tại khu chợ nên việc lây lan càng trở nên dễ dàng.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, đợt bùng phát mạnh đầu tiên xảy ra vào ngày 8/12/2019, cho thấy có khả năng việc lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra từ trước đó, có thể là cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Đến ngày 6/1/2020, số ca nhiễm một lần nữa tăng đột biến và đợt bùng phát này được cho là liên quan đến dịp nghỉ năm mới âm lịch.

Cũng trong ngày 6/1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp với dịch lên cấp độ 2, được cho là nhằm cảnh báo việc đi lại và tham gia các hoạt động đông người. Theo các nhà nghiên cứu, nếu công chúng chú ý hơn đến cảnh báo này thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung Quốc và trên thế giới trong nửa sau tháng 1 sẽ thấp hơn.

Theo nghiên cứu, các bệnh nhân từ Australia, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đã có ít nhất 2 nguồn lây nhiễm và đặc biệt là Mỹ đã báo cáo 5 nguồn. Dù vậy, dựa trên các mẫu hạn chế từ các quốc gia khác, nguồn gốc của những người bệnh SARS-CoV-2 được coi là tương đồng. Ngoài lịch sử tiếp xúc với Vũ Hán, một số người có thể đã bị lây bệnh ở tỉnh Quảng Đông và Singapore.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020 muộn hơn 1 tháng

    11:15, 23/02/2020

  • Cần cẩn trọng SARS-CoV-2 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu

    13:24, 23/02/2020

  • Kinh doanh dịch vụ thời SARS-CoV-2

    11:00, 23/02/2020

  • [SARS-CoV-2] Thị trường, nhà nước và xã hội

    11:00, 23/02/2020

  • Vì sao virus gây bệnh COVID-19 lại được WHO đặt tên mới: SARS-CoV-2?

    06:00, 23/02/2020

Trước đó, chợ hải sản Vũ Hán từng được xem là nơi xuất phát của SARS-CoV-2. Bên cạng đó, cũng có những thuyết âm mưu SARS-CoV-2 được tạo ra từ phòng thí nghiệm. 

Không phải sản phẩm của phòng thí nghiệm

Theo đó, phần lớn các tin đồn cho rằng, SARS-CoV-2 vô tình bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, nơi các chuyên gia đã tạo một trong những kho dữ liệu lớn nhất thế giới về các chủng virus Corona. Đây cũng là nơi đầu tiên phát hiện virus Corona chủng mới là hậu duệ trực hệ của một chủng virus trên dơi.

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm khoa học gia gồm W.Ian Lipkin tại Đại học Columbia (Mỹ), Edward Holmes tại Đại học Sydney (Úc) và Kristian Andersen thuộc viện nghiên cứu Scripps Research (Mỹ) mới đây đã loại bỏ khả năng này.

Trong bài đăng trên diễn đàn khoa học Virological, các nhà khoa cho biết đã phân tích dữ liệu trình tự bộ gien của virus và những dòng virus Corona đã biết để xác định những dấu hiệu biến đổi của chúng.

Theo đó, những dấu hiệu này, vốn ảnh hưởng đến khả năng SARS-CoV-2 bám vào tế bào cơ thể người, sẽ đột biến theo cách khác nếu dựa trên mô hình trên máy tính chứ không phải tiến hóa tự nhiên. Nếu cơ chế "gai bám" này đã được con người can thiệp thì lẽ ra sẽ được tối ưu hóa theo cách khác để bám vào tế bào cơ thể người.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những đặc điểm độc nhất trong "protein gai bám" của virus, để cho thấy đó là bằng chứng virus này không phải là sản phẩm từ phòng thí nghiệm.

Báo cáo nghiên cứu này được nhiều chuyên gia trong ngành tán thành. SCMP dẫn lời giáo sư Roy Hall của Đại học Queensland, chuyên nghiên cứu về cấu trúc protein trên virus, nhận xét rằng: “Nếu đây là một virus được con người biến đổi gien, thì những người tạo ra nó sẽ lấy một virus có sẵn, có thể lây nhiễm cho người và gây bệnh, rồi dùng cùng một cấu trúc gien như vậy. Nhưng chúng tôi chưa từng thấy những đặc điểm này, vì vậy chúng là kết quả tiến hóa tự nhiên. Vì chưa từng ai thấy một cấu trúc như vậy trước đây, nên sẽ không thể biến đổi gien theo cách đó được".

Các tác giả nghiên cứu gợi ý rằng có hai cách để virus tiến hóa. Một là virus sẽ tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên qua các vật chủ là thú vật trước khi nhiễm sang người.

Theo thuyết còn lại thì tế bào nguyên sơ của virus "nhảy" từ thú vật sang người, và quá trình biến đổi để thích ứng sau đó diễn ra trong quá trình lây nhiễm từ người sang người cho đến khi virus đủ mạnh để gây bùng phát dịch.

Anh Duy