Vaccine SARS-CoV-2 đầu tiên thử nghiệm đã sinh kháng thể

Linh Nga 23/02/2020 19:33

Tiêm thử nghiệm kháng nguyên nCoV, cơ thể chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể, hứa hẹn thành công bước đầu tạo vaccine phòng SARS-CoV-2.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên động vật. Ảnh: Xinhua.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên động vật. Ảnh: Xinhua.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang chiều hôm qua (22/2) đã họp báo công bố tình hình khống chế dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, nhóm vaccine thứ nhất của tỉnh Chiết Giang đã sinh ra kháng thể. 

Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc SARS-CoV-2 qua bốn thế hệ. Vaccine được tái tổ hợp trên vật dẫn, bắt đầu tiến hành từ việc nuôi cấy virus, hiện đang thử nghiệm trên động vật.

Theo các chuyên gia, thông thường trong vaccine sẽ chứa hàm lượng nhất định kháng nguyên gây bệnh, khi tiêm vào động vật, nếu đáp ứng miễn dịch tốt sẽ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó để bảo vệ cơ thể. Kết quả này hứa hẹn cho một vaccine tốt.

Kết quả thử nghiệm vaccicne khả quan nói trên đã giúp tăng thêm niềm tin vào khả năng chiến thắng dịch bệnh SARS-CoV-2 tại Trung Quốc. Thành công đạt được bước đầu của dự án nghiên cứu này đã mở ra hi vọng vào việc điều chế thành công vaccine phòng chống dịch SARS-CoV-2.

Hiện nhóm nghiên cứu kết hợp với Trung tâm Kiếm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh, bệnh viện trường Đại học Chiết Giang để phát triển các loại vaccine điều trị SARS-CoV-2 như vaccine giảm hoạt tính virus, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine adenovirus tái tổ hợp, vaccine mRNA.

Đối với vaccine protein tái tổ hợp, các kháng nguyên được sản xuất bởi nhóm tiền thử nghiệm đầu tiên. Nghiên cứu và phát triển vaccine mRNA đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật, vaccine adenovirus tái tổ hợp bắt đầu mở rộng nuôi cấy virus tái tổ hợp và các thí nghiệm trên động vật.

Trước đó, ngày 19/2, nhóm nghiên cứu trường Đại học Hồ Tây, tỉnh Chiết Giang đã công bố phân tích thành công cấu trúc 3D thụ thể tế bào ACE2 trong nCoV, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tối ưu hóa các chất ức chế ngăn chặn sự xâm nhập của nCoV.

Bên ngoài Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates, Wellcome Trust và nhiều quốc gia, Liên minh Đổi mới và Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) đang tài trợ cho các viện khoa học và công ty Inovio Enterprise của Mỹ để tăng tốc quá trình phát triển vaccine. CEPI muốn theo dõi liệu có thể áp dụng công nghệ mới để giảm thời gian điều chế vaccine cho SARS-CoV-2 hay không. Quy trình này tương tự với cúm mùa.

Moderna, một công ty công nghệ sinh học Anh đã lên kế hoạch thử nghiệm trên người vào tháng 4. Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tốc độ nghiên cứu của nước này ngang ngửa với các đồng nghiệp quôc tế. Trong khi đó nhóm nhà khoa học thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho hay, họ hy vọng tiến tới giai đoạn này vào mùa hè.

Linh Nga