[COVID-19] Tiếp tục nghỉ học- biện pháp khôn ngoan
Cho học sinh nghỉ học là biện pháp tốt nhất để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Có lẽ hơi bi quan, nhưng nhiều nhà khoa học trên thế giới còn bi quan hơn mình nhiều.
Chuyên gia dịch tễ, phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh - giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM nhận định: “Ai cũng thắc mắc, tại sao UBND TPHCM lại đưa ra kiến nghị về việc cho học sinh nghỉ hết tháng 3? Chắc chắn lãnh đạo TPHCM có sự tham khảo ý kiến của giới chuyên môn trước khi đưa kiến nghị. Tôi ủng hộ quan điểm này”.|
Biện pháp khôn ngoan
- Vì sao ông ủng hộ, thưa ông?
Dịch lần này rất nguy hiểm, diễn biến thật khó lường. Tình hình ở Trung Quốc dường như đã không còn kiểm soát được và tất cả chỉ còn mong chờ tới khi trời nắng nóng lên, để hy vọng virus tự nó dừng lại.
Tại Việt Nam, cho tới giờ phút này, công tác phòng chống của mình tốt, dịch đã được kiểm soát và chưa thấy phát triển thêm. Nhưng vấn đề là, nếu cho học sinh đi học lại vào đầu tháng Ba, tình hình rất dễ rơi vào thế trở tay không kịp. Chỉ cần một, hai bệnh nhân từ nơi nào đó vào TPHCM, chúng ta sẽ trở lại tình trạng ban đầu, thậm chí, có khi phải phong tỏa tất cả cơ sở giống như Hàn Quốc hiện nay. Điều này còn tệ hại hơn.
Virus lây qua đường nước bọt, tiếp xúc trực tiếp và càng ngày càng rõ đường lây qua không khí, dù ban đầu nghĩ là không. Đây là cơ chế lây lan nguy hiểm nhất. Điển hình là con tàu Diamond Princess. Nguy cơ lây nhiễm qua không khí đi theo đường vận chuyển cực lớn.
Như vậy, hiện tại, tình trạng đang tốt, nhưng nếu sắp tới tựu trường, cùng với hoạt động giao thông, giao thương, du lịch của một thành phố có đầy đủ cảng biển, cảng hàng không thì khả năng “vỡ trận” khó tránh khỏi. Nếu giảm bớt công tác cách ly vào tháng Ba, tức cho học sinh đi học lại, chỉ cần một trường hợp nào đó xảy ra thì hậu quả sẽ lâu dài.
Chúng ta còn phải xét trong bối cảnh, một vài tuần nữa, tôi dự đoán dịch sẽ lan ra nhiều quốc gia hơn. Chi bằng nếu chúng ta tiếp tục giữ được tình trạng này trong suốt tháng Ba và đầu tháng Tư mà vẫn không có ca mới, TPHCM có lẽ sẽ là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, du lịch… vào giai đoạn hậu dịch.
- Ông có thể phân tích thêm, việc cho học sinh nghỉ học có ý nghĩa như thế nào trong phòng chống dịch?
Thật sự mà nói, học sinh là đối tượng có nguy cơ không cao lắm, tỷ lệ tử vong cũng không nhiều so với người già (đa số ca tử vong từ 60 tuổi trở lên). Việc cho nghỉ học như thời gian vừa qua khiến hoạt động giảng dạy và các lĩnh vực dịch vụ hậu cần phục vụ trường học ngưng lại, cha mẹ không đi lại đưa rước con, trẻ con ở nhà thì cha mẹ cũng phải chia nhau ở nhà theo hoặc có hình thức nào đó, tức phần lớn sinh hoạt đã được gói gọn trong gia đình. Điều đó vô hình trung đã hạn chế vấn đề di chuyển và giúp hạn chế lây lan rất lớn.
Virus corona chủng mới “sợ” nắng, nhưng cũng đừng chủ quan nghĩ rằng nắng nóng hạn chế khả năng lây lan. Kinh nghiệm xương máu từ tất cả các vụ dịch bệnh lớn là giới chức chính trị và quản lý y tế đánh giá thấp tình hình, đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Nếu cứ giữ vững được tình hình này cho đến đầu tháng Tư, sẽ hết sức thuận lợi cho công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.
- Nếu đến tháng Tư mà tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và thế giới vẫn không được cải thiện thì sao, thưa ông?
Trước khi trả lời trực tiếp, cần dẫn dắt thế này: ban đầu, người ta gọi là dịch do virus corona chủng mới gây ra. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống nhất gọi là COVID-19. Nhưng sau đó, nhiều nhà khoa học lại thấy rằng, nên gọi dịch này bằng cái tên “SARS-CoV-2” (corona biến chủng) vì mô hình của nó giống hệt đại dịch SARS năm 2003 nhưng ở mức độ cao hơn rất nhiều.
Nhìn lại các đại dịch cúm kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại như SARS năm 2003 do virus corona gây ra, dịch cúm H1N1 năm 1918 do virus influenza gây ra đều có đặc điểm chung là kéo dài trong vòng 18 tháng và diễn tiến ít nhất ba đợt.
Năm 1918, đợt 1 từ tháng 3-6, đợt 2 vào tháng Chín và thường khốc liệt nhất sau khi có dấu hiệu bớt đi. Dịch giảm xuống vào tháng 11-12 và đợt thứ ba vào mùa xuân năm sau. Giai đoạn 2002-2003, đại dịch SARS kéo dài trong mùa đông, mùa nắng giảm xuống rồi quay trở lại và kéo dài tiếp khoảng 18 tháng chứ không phải nắng lên là hết ngay. Đặc biệt, có nhiều trường hợp COVID-19 vẫn tồn tại virus sau khi chữa xong và tiếp tục lây nhiễm, có người mắc lần thứ hai.
Trước mắt, tranh thủ dịch giảm khi trời nắng nóng ở miền Nam khoảng tháng Tư, miền Bắc khoảng tháng Năm, còn ở Vũ Hán phải đến tháng Sáu, như vậy người ta cứ lấy tháng Tư là cột mốc khí hậu nắng lên trên toàn cầu để mà hy vọng, rồi tính tiếp.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Con cái nghỉ học, cha mẹ chật vật tìm phương án gửi con
11:35, 20/02/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chưa thể chốt học sinh sẽ đi học lại từ 2/3"
17:00, 24/02/2020
Thời điểm học sinh, sinh viên đi học trở lại: Bộ không quyết thì Thủ tướng sẽ quyết!
18:50, 22/02/2020
COVID-19: Về câu chuyện đi học trở lại !
15:11, 22/02/2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chưa làm cho phụ huynh, học sinh an tâm thì chưa đi học trở lại"
09:30, 14/02/2020
[SARS-CoV-2] “Soi” bản lĩnh Tư lệnh ngành Giáo dục
05:30, 24/02/2020
Đừng chủ quan trước một con virus “bất quy tắc”
- Niềm hy vọng đó có mong manh không, thưa ông?
Về nguyên tắc, khi xử lý một vụ dịch, người ta tìm cách cách ly cho qua thời gian bệnh đang tiến triển, theo dõi cho tới khi nào không còn triệu chứng và hy vọng kháng thể sớm xuất hiện. Có một quy luật trong một trận dịch là không bao giờ nó giết hết 100% ca mắc, chỉ có tỷ lệ nhất định, cao hay thấp. Khi một cộng đồng có tỷ lệ mắc cao thì một thời gian, tự động virus thoái trào do có kháng thể trong cộng đồng, cộng với vấn đề thời tiết.
Đại dịch bệnh truyền nhiễm luôn có bốn giai đoạn theo chu kỳ gồm ủ bệnh, khởi bệnh, toàn phát và lụi tàn hay khỏi bệnh. Chu kỳ này thay đổi tùy theo từng loại virus và có thể có biến dị. Ban đầu, virus rất “hiền”, như trận dịch năm 1918. Xuất hiện tháng 3-6 ở châu Âu, virus chỉ gây triệu chứng cảm cúm thông thường, tử vong không cao. Nhưng đợt thứ 2, từ tháng 9-11, đã từ châu Âu lan qua châu Mỹ và tình hình nghiêm trọng khi tỷ lệ tử vong lớn. Nó đã giết chết 50 triệu người. Tại Mỹ, trong một ngày, có đến 1.400 người chết. Bệnh khởi phát nhanh đến nỗi sáng ho, chiều sốt và qua đời. Do đó, độc tính của virus thay đổi chứ không cố định theo thời gian.
Thời gian ủ bệnh cho đến khi có triệu chứng đầu tiên trung bình là 5 ngày. Theo khuyến cáo của WHO, thời gian ủ bệnh của COVID-19 trung bình là 14 ngày và hy vọng sẽ an toàn trong 95% trường hợp. Hiện đã phát hiện có ca 27 ngày sau mới có triệu chứng. Như vậy, nếu muốn an toàn, phải nâng lên 21 ngày, nhưng chưa có khuyến cáo từ WHO.
- Ông có thể thông tin rõ thêm về các trường hợp được cho là nhiễm lại COVID-19?
Tất cả dựa vào các thông tin từ Trung Quốc khi số trường hợp ở đó sau khi khỏi bệnh thì tái phát bệnh, nhiễm lại. Ngoài việc virus biến đổi, tôi nghĩ đến khả năng cao hơn, đó là con virus không bao giờ biến mất trên bệnh nhân đó. Nó giống như viêm gan B. Mật độ virus khi được cho là “khỏi bệnh” đã quá thấp, tức người lành mang trùng, nhưng virus vẫn tồn tại trong cơ thể. Về mặt y khoa, đó là điều rất quan ngại vì virus sống trong cơ thể đó mà không có triệu chứng thì đó là nguồn lây kinh khủng.
COVID-19 khác virus corona gây SARS năm 2003 rất nhiều. Thứ nhất, thời gian ủ bệnh cao hơn, 14 so với 7 ngày. Thứ hai, trong thời gian ủ bệnh thì cơ thể không có triệu chứng nhưng COVID-19 vẫn có khả năng lây, còn SARS 2003 chỉ lây khi có triệu chứng ho mà thôi. Thứ ba, nếu như tỷ lệ tử vong của SARS khoảng 10%, thì COVID-19 chỉ 2%, nhưng độ lây nhiễm lại gấp hàng chục lần. Ghê gớm là nó có khả năng biến dị và tồn tại lâu dài trong cơ thể để thành một nguồn lây. Y học dự phòng quốc tế có câu, tất cả những điều tiên đoán đều quan trọng nhưng hầu hết đều sai lầm, có nghĩa là chúng ta không thể chắc chắn về điều gì hết.
Tôi thấy trong 16 ca ghi nhận của mình, có ca lớn tuổi nhất là một Việt kiều trên 70 tuổi, còn lại là người trẻ trở về từ vùng dịch. Họ đã âm tính rồi thì coi như khả năng lây bằng 0. Nhưng cũng có thể xảy ra tình huống người đó có thể quay lại, điều này liên quan đến miễn dịch của từng người.
Tất cả điều này là do lý luận mà ra chứ chưa đủ bằng chứng vì chúng ta đứng quan sát từ bên ngoài. Những chuyên gia thực sự của Hoa Kỳ cũng chưa được phép vào tâm dịch Vũ Hán. Nhưng cần thấy, dịch mang hai đặc tính là lây nhiễm và tử vong. Theo quy luật, con virus nào có tỷ lệ sát thương cao thì khả năng lây nhiễm lại thấp. Nhưng COVID-19 phá vỡ quy luật này khi lây cao và tử vong cũng khá cao. Chúng ta có thể liệt kê những điều “bất quy tắc” của COVID-19 để thấy, đừng chủ quan.
TPHCM có nguy cơ rất cao
- Ông tiên lượng thế nào nếu cho học sinh đi học lại vào đầu tháng tới, thưa ông?
Nếu không có gì biến động và vẫn giữ được 16 ca mắc cho tới đó thì quá tốt. Nhưng theo tôi, khả năng này rất khó xảy ra. Khả năng thứ hai là, vài trường hợp mới xuất hiện và chúng ta tiếp tục cô lập, kiểm soát, khống chế được. Khả năng xấu nhất là nó “bùng nổ” như Hàn Quốc, Ý thì rất khó cô lập.
Để tiếp tục làm tốt công tác phòng dịch, đòi hỏi những điều kiện gồm sự ủng hộ của thời tiết, điều kiện dịch tễ học không biến động và không có nguồn lây thường xuyên xâm nhập. Với các điều kiện trên, ta thấy TPHCM chỉ có được lợi thế duy nhất là thời tiết nắng nóng, nhưng ngược lại, TPHCM là nơi giao thương nhiều hơn các nơi khác. Sự lưu thông, du lịch, buôn bán, lao động là những yếu tố bất lợi khiến rất khó giữ được điều kiện dịch tễ học không biến động và không có nguồn lây mới.
16 ca vừa qua chủ yếu về từ vùng dịch, trong đó có hai du khách Trung Quốc đi qua. Trong tháng 3-4, tôi nghĩ khả năng lây rất lớn qua đường vận chuyển, giao thương và khả năng lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra. Lây nhiễm cộng đồng có nghĩa là rất khó tìm ra được yếu tố lây nhiễm, tức tương tự như ở Hàn Quốc, Ý dù không có “yếu tố Trung Quốc” hay về từ vùng dịch nữa, mà các ca tự nhiên xuất hiện.
Cho học sinh nghỉ học là biện pháp tốt nhất để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Có lẽ hơi bi quan, nhưng nhiều nhà khoa học trên thế giới còn bi quan hơn mình nhiều. Nửa tháng trước, giáo sư dịch tễ học Pr.Marc Lipsitch (Đại học Y tế công cộng Harvard, Trưởng trung tâm Động học bệnh truyền nhiễm Harvard) phát biểu: “Tôi nghĩ rằng, có thể chúng ta sẽ chứng kiến một đại dịch toàn cầu. Nếu đại dịch xảy ra, 40-70% dân số thế giới có thể nhiễm trùng trong năm tới. Đây thực sự là vấn đề toàn cầu mà sẽ không biến mất trong 1-2 tuần. Điều làm dịch này khó kiểm soát hơn SARS là nó có thể lây nhiễm khi bạn chưa có triệu chứng bệnh. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên chuẩn bị cho một tình huống tương đương với một mùa cúm rất, rất xấu”.
Còn mới đây, hôm 21/2, bác sĩ Benhur Lee (giáo sư vi sinh học, Đại học Y khoa Mount Sinai - ISMMS) viết: “Con số báo cáo từ nhiều quốc gia trong 36 giờ qua cho thấy, sự lan truyền từ người sang người của SARS-CoV-2 khẳng định nỗi lo rằng, virus đang trên đường gây một đại dịch toàn cầu”.
- Chúng ta nên ứng phó như thế nào, thưa ông?
Quan trọng nhất là chính sách của nhà nước về dự phòng con đường lây liên quan đến việc di chuyển. Biện pháp đeo khẩu trang, sát khuẩn không hiệu quả bằng việc kiểm soát các cửa khẩu.
Chuyên gia quốc tế nhấn mạnh rằng, điều chắc chắn nhất các bạn có thể rút ra là không có gì chắc chắn cả. Vì thế, phải nhìn xem, chờ thêm một thời gian, từ đây đến tháng Ba, tức một tuần nữa, để quan sát các nước, lúc đó có đối sách phù hợp cũng chưa muộn.
Tôi nhắc lại, đại dịch này rất khủng khiếp và diễn tiến khó lường, kéo dài và có thể thay đổi. Kinh nghiệm rút ra từ các đại dịch là các chính phủ thường đánh giá thấp tác hại của dịch khi nó mới xảy ra và chỉ hành động khi nó quá trễ. Nên tham khảo ý kiến chuyên môn và hết sức dè dặt, nếu không sẽ “thủng lưới”.
- Xin cảm ơn ông.
Thử nhẩm một phép tính về ngưỡng an toàn cho học sinh TPHCM có khoảng 2.000 trường học với quy mô bình quân từ 1.000-2.000 học sinh. Nếu học sinh đi học đeo khẩu trang, mỗi ngày phải cung cấp hơn 3 triệu khẩu trang mới đủ nhu cầu cho các em. Đây là điều bất khả thi. Vậy nếu các lớp học nửa đeo khẩu trang, nửa không, các em sẽ “nhìn nhau” thế nào? Em nào - không đeo hay đeo - sẽ là nguồn lây bệnh cho cả trường? Với 600 giường bệnh tại khu cách ly các bệnh viện quận, huyện và thành phố, thêm 300 giường từ bệnh viện dã chiến, tức thành phố chỉ có thể cách ly 900 người nghi nhiễm hoặc nhiễm. Nếu con số này cao hơn phải giải quyết thế nào, nguy cơ lây lan lúc đó sẽ ra sao? Khả năng này khá cao nếu với 322 phường xã, chỉ cần bình quân mỗi nơi có 3 người bị nhiễm, tức con số cần cách ly điều trị xấp xỉ 1.000 người. Như vậy, chuyện quá tải toàn bộ hệ thống cách ly cho thành phố 10 triệu dân này có khả năng xảy ra và nguy cơ lây lan hết sức cao. Chưa kể, một ca nhiễm cần 20 ngày điều trị cách ly. Mỗi ngày cần 12 bác sĩ, điều dưỡng phục vụ. Nếu thành phố có 1.000 người thì không thể kiếm đâu ra số bác sĩ, điều dưỡng tương ứng. Vì vậy, trước khi cho 2 triệu học sinh đi học tạo thành 2.000 trung tâm “giao lưu mật độ cao” mỗi ngày, liệu thành phố có bảo đảm các điều kiện an toàn? Để làm được điều này, cần ba điều kiện. Một, thành phố chữa khỏi các ca COVID-19 và cho bệnh nhân xuất viện. Điều này thành phố đã làm xong. Hai, sau thời điểm này, phải đợi hai tuần nữa nếu không xuất hiện thêm triệu chứng gì mới. Và ba, thành phố có khả năng phát hiện và cách ly tất cả làn sóng người ngoài vào thành phố có mang virus COVID-19 trong vài tuần tới (người từ các tỉnh, lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc, khách du lịch quốc tế…). Các băn khoăn trên cho thấy, ngưỡng an toàn để học sinh đi học không phải là đầu tháng Ba. |