[HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Cần luật hóa việc cấm đốt ngoài trời
Các chuyên gia đề xuất quy định cấm đốt than tổ ong và hoạt động đốt ngoài trời (đốt rơm rạ, đốt rác) vào dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng khiến không ít người lo lắng.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm, trong đó việc đốt than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đã tạo ra chất thải, khí thải, gây những tác động xấu đến môi trường không khí do phát sinh bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ 528 tấn than, góp phần thải vào bầu không khí của 8 triệu người Hà Nội 1.872 tấn khí CO2.
Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân.
Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa.
Là nhân sự quản lý dự án theo dõi chất lượng không khí PAM Air, bà Hà Thanh Hương cho biết, qua quá trình theo dõi chất lượng không khí, ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm không khí bất thường, chỉ số ô nhiễm cao đột biến so với các khu vực xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các hoạt động đốt ngoài trời.
Tương tự, Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng cho rằng, các điểm đo có chất lượng không khí ô nhiễm bất thường do hoạt động đốt ngoài trời như hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ, đốt chất thải.
Có thể bạn quan tâm
[HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Thiếu công cụ quản lý hiệu quả!
11:00, 24/02/2020
[HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Chỉ số bụi mịn vượt 3 lần mức cho phép
04:50, 23/02/2020
[HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ] Còn tiếp diễn trong những ngày tới!
09:16, 22/02/2020
Chính tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn hồi trung tuần tháng 12/2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, ô nhiễm tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng đốt rơm rợ. Đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn tại Hà Nội.
Đúng vậy, nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, khoảng 7% nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội xuất phát từ hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động đốt không kiểm soát ngoài trời là nguồn phát sinh lượng lớn bụi mịn PM2.5 đồng thời là nguồn phát thải Dioxin/Furan vào không khí.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Trong các điều cấm của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi không có hoạt động cấm đốt ngoài trời.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội do hoạt động đốt ngoài trời gây ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần đưa thêm hành vi đốt rơm rạ, đốt than tổ ong vào danh sách các hành vi cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
Thực tế, hoạt động đốt ngoài trời đã được nhiều nơi như Singapore, Hồng Kông cấm. Để cấm hoạt động này, họ có định nghĩa rõ ràng về hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát.
Tại Việt Nam để luật hóa được vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng cần phải bàn thảo, cân nhắc và nghiên cứu kỹ.