Những “chiến sĩ blouse trắng”

Anh Duy 27/02/2020 05:01

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mỗi y, bác sĩ đang trở thành những chiến sĩ ở tuyến đầu trận địa, sẵn sàng "nghênh địch" COVID-19 tràn tới.

Con số ca nhiễm bệnh, thậm chí tử vong vì dịch bệnh COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) đang ngày một tăng cao, tính đến hết ngày 26/2, thế giới ghi nhận 81.018 người nhiễm bệnh, 2.764 người tử vong.

Phía sau những con số ấy là cuộc đua dũng cảm của những con người thầm lặng, những y bác sĩ đã và đang trở thành những người lính tuyến đầu, có người đã đuối sức mà nhiễm bệnh, thậm chí có cả những người “hi sinh” nhưng tất cả những “chiến sĩ blouse trắng” đều kiên cường chống dịch.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã được chữa khỏi.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã được chữa khỏi.

Theo lịch công tác, đêm 28 Tết, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vào ca trực. Nhưng thay vì một ca trực êm đềm do đa số bệnh nhân về nhà đón tết, thì bác sĩ Bình lại đón nhận thông tin khá bất ngờ rằng có 2 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 nhập viện.

“Quá trình khám bệnh thấy bệnh nhân có triệu chứng của viêm phổi cấp, lại đến từ Vũ Hán, nơi đang là tâm điểm của dịch COVID-19, nên tôi nghi ngờ 2 bệnh nhân này đã nhiễm bệnh. Lúc đó, biện pháp đầu tiên mà chúng tôi áp dụng là cách ly ngay bệnh nhân, bố trí đường đi an toàn để chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết.

Chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau đó, một khu vực cách ly và một đường đi đảm bảo an toàn cho bệnh nhân được thiết lập. Lệnh điều động của ban giám đốc bệnh viện chợ Rẫy phát đi, vậy là thay vì đón cái Tết đoàn viên bên gia đình thì toàn bộ nhân sự của Khoa Bệnh nhiệt đới tập trung sẵn sàng… trực chiến. 

Gác lại niềm vui sum vầy cùng nỗi hoang mang về căn bệnh mà cả thế giới đang khiếp sợ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, những y, bác sĩ trở thành những chiến sĩ tuyến đầu. Và họ đã bước đầu dành thắng lợi, những bệnh nhân người Trung Quốc này đã được chữa khỏi và xuất viện với lá thư cảm ơn các y bác sĩ đầy lòng cảm kích. 

Có thể bạn quan tâm

  • Những “chiến sĩ blouse trắng”

    05:01, 27/02/2020

  • Những bông hồng trong tà áo Blouse trắng

    11:30, 26/02/2020

  • [SARS-CoV-2] Cảm tạ những “chiến binh" dũng cảm!

    04:50, 27/02/2020

  • Bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 chia sẻ phác đồ chữa bệnh

    05:00, 27/02/2020

  • Nỗi sợ SARS-CoV-2 kéo tụt tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ

    03:11, 27/02/2020

  • [SARS-CoV-2] Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng

    17:35, 26/02/2020

  • Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt SARS-CoV-2

    05:00, 26/02/2020

Nhưng không phải may mắn luôn mỉm cười, tại tâm dịch Trung Quốc, hơn 80.000 người nhiễm COVID-19 thì đã có tới 3.019 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, trong đó có 1.688 người trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Những người còn lại đang gồng mình chiến đấu trong cuộc chiến.

Hình ảnh được lan truyền gần đây về một nữ y tá Trung Quốc tham gia chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, tự cách ly với chồng, con để đến ở khách sạn rồi ngày ngày tới bệnh viện chữa trị cho các bệnh nhân. Người chồng vì thương vợ nhưng không được đến gần nên mỗi đêm khuya đều đi sau chiếu đèn xe cho vợ trở về.

Những “chiến sĩ blouse trắng” ấy không chỉ hi sinh hạnh phúc của bản thân mà đôi khi là cả của những người thân vì sự nghiệp cứu người.

Hay câu chuyện của 2 bác sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc qua đời vì dịch COVID-19 cứ mãi ám ảnh tôi. Vị bác sĩ trẻ tuổi Lý Văn Lượng là một trong 8 bác sĩ đầu tiên phát hiện ra căn bệnh COVID-19 với sức khỏe tốt lại bị bệnh nặng đến mức tử vong. Rồi một vận động viên thể hình 10 năm không ốm mà vẫn ra đi.

Điều này cho thấy, bất kỳ ai, trong hay ngoài ngành y, lứa tuổi nào cũng đều có thể mắc và tử vong vì dịch bệnh COVID-19. Nói vậy để thấy những nguy cơ lây lan và gây bệnh của COVID-19 vẫn đang dình dập bất cứ ai, bất cứ khi nào.

Việt Nam có thể nói đã đạt thành công bước đầu trong việc chữa trị cho 16/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi bệnh, chưa xuất hiện ca bệnh mới. Tuy nhiên, “đỉnh dịch” chưa đạt, nói cách khác nguy cơ lây lan của SARS-CoV-2 đang lan rộng toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với kẻ thù của “chiến sĩ blouse trắng” trong cuộc chiến này là vô thanh, vô tức, vô hình. Kẻ giặc này luôn đeo bám và quanh quẩn bên họ. Những chiến sĩ của chúng ta đang ngày ngày sống cùng dịch bệnh và có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Nhớ lại 17 năm về trước, Việt Nam cũng trải qua đại dịch SARS, nỗi ám ảnh với đội ngũ y bác sĩ trực tiếp chống dịch vẫn còn tới ngày hôm nay. 44 y bác sĩ nhiễm bệnh khiến bệnh viện Việt - Pháp tự đóng cửa cách ly, 6 y, bác sĩ đã tử vong sau đó. Mất mát lớn lao ấy luôn hiện hữu. Và đến hôm nay hàng trăm hàng ngàn y, bác sỹ trên cả nước cũng lao vào cuộc chiến với COVID-19.

“Bác sĩ chúng tôi cũng là con người nên ai chẳng sợ bệnh tật, sợ những cái chết bất thình lình từ đâu rơi xuống với mình, với người thân yêu. Những ngày qua, hình ảnh các nhân viên y tế Vũ Hán kiệt lực chống chọi với dịch bệnh tác động mạnh nhất đến chúng tôi”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Nhưng với những kinh nghiệm, kiến thức đã được trang bị và phương tiện hiện đại hơn và đặc biệt có sự hỗ trợ đồng lòng của cộng đồng những chiến sĩ blouse trắng như bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu mạnh mẽ tuyên bố đã sẵn sàng "nghênh địch" đang tràn tới. 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay hẳn sẽ đặc biệt hơn tất thảy, sẽ không có những lễ kỉ niệm ngày truyền thống với biểu ngữ và hoa chúc mừng, bởi những người chiến sĩ ấy đang trong cuộc chiến căng go chống dịch- dịch bệnh nguy hiểm đe doạ y tế toàn cầu COVID-19.

Xin gửi lời cảm tạ tới những người “chiến sĩ blouse trắng” vì những khó khăn, mất mát và cả những hi sinh vì sự nghiệp cứu người.

Anh Duy