Điều hành nhà nước nhìn từ... chiếc khẩu trang

Huyền Trang thực hiện 01/03/2020 05:30

Thay vì can thiệp trực tiếp vào giá khẩu trang, nhà nước có thể sử dụng cơ chế và công cụ gián tiếp để điều chỉnh thị trường.

Đây là quan điểm của TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tình trạng găm hàng nhằm kiếm lợi nhuận là diễn biến tất yếu theo các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường. Bởi vì khi nhu cầu về một sản phẩm gia tăng đột biến trong khi khả năng cung cấp hạn chế thì sẽ khiến giá cả mặt hàng đó tăng nhanh, thậm chí là không giới hạn. Tất nhiên, một bộ phận người dân sẽ mong muốn nhà nước can thiệp để giúp họ tránh bị “trục lợi” trong hoàn cảnh bất thường.

Theo TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG, nhà nước có thể can thiệp thị trường nhưng vấn đề là cách thức và biện pháp can thiệp thế nào thôi.

-Việc nhà nước hành động điều tiết giá cả sẽ có những ưu điểm và hạn chế như thế nào, thưa ông?

Về vai trò điều tiết giá cả thì cần phân biệt giữa “hàng hóa công” và “hàng hóa tư”. Nếu việc sử dụng “hàng hóa công” không mang tính cạnh tranh và không mang tính loại trừ thì hàng hóa tư hay hàng hóa cá nhân lại có hai thuộc tính đó – tức là nếu người này sử dụng thì có thể ảnh hưởng đến lợi ích và cơ hội sử dụng của người khác.

Thông thường, nhà nước chỉ can thiệp giá cả đối với hàng hóa công. Để bảo đảm lợi ích công, nhà nước có thể trực tiếp cung cấp và áp đặt mức giá. Còn nếu các chủ thể tư nhân cũng tham gia cung cấp hàng hóa công thì nhà nước có thể ban hành mức giá trần để tránh việc trục lợi thái quá.

Với hàng hóa tư vốn được trao đổi theo các quy luật kinh tế thị trường (cung-cầu) thì sự can thiệp của nhà nước phải hết sức thận trọng. Cụ thể hơn thì nhà nước không nên trực tiếp can thiệp để điều chỉnh mức giá. Bởi lẽ, do đặc điểm hàng hóa tư, thị trường sẽ có những phản ứng của nó khiến cho sự can thiệp của nhà nước không những không đem lại hiệu quả như mong muốn, mà thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả trong dài hạn – đó là sự méo mó của thể chế kinh tế thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Thị trường, nhà nước và xã hội

    11:00, 23/02/2020

  • [COVID -19] Doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp... vượt khủng hoảng

    08:59, 20/02/2020

  • Đại dịch COVID -19 ảnh hưởng ra sao tới xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam?

    10:25, 17/02/2020

  • COVID-19: Góc nhìn pháp lý và một số điểm doanh nghiệp cần lưu tâm

    11:02, 01/03/2020

  • [COVID-19] Hãy chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài...

    15:38, 29/02/2020

  • [COVID-19] Nước mắt doanh nhân

    14:15, 29/02/2020

  • [COVID-19] Doanh nghiệp chạy hết công suất, khẩu trang vẫn... khan hiếm?

    11:05, 29/02/2020

-Theo ông, trong những tình huống bất thường như thế này, nhà nước nên can thiệp như thế nào?

Với bối cảnh Việt Nam, bất cứ tình huống bất thường nào xảy ra thì người dân cũng sẽ trông đợi phản ứng can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước hành động như thế nào thì cần hết sức tỉnh táo và duy lý để tránh rơi vào tình trạng “hiệu ứng đám đông”.

Sự mong đợi của một số đông nào đó là cần xem xét nhưng chưa chắc đã bảo đảm rằng việc thỏa mãn những mong đợi đó là hành động chính sách đúng đắn.

Nhà nước có những cơ sở chính đáng để dễ dàng can thiệp về cung ứng và giá cả với danh mục các hàng hóa công. Với thị trường hàng hóa tư, sự can thiệp trực tiếp của nhà nước sẽ được đồng thuận khi nảy sinh những tình huống đe dọa lợi ích sống còn của cộng đồng hay quốc gia, chẳng hạn như chiến tranh hay thiên tai, thảm họa dịch bệnh. Với những tình huống khẩn cấp này, nhà nước có thể dùng quyền lực công để trưng mua, thậm chí trưng thu hàng hóa tư nhằm bảo đảm các mục đích cấp bách.

Với những gì đang diễn ra thì dịch cúm corona ở Việt Nam hiện nay chưa đến mức bùng nổ thành đại dịch hay thảm họa bệnh tật. Tức là diễn biến thực tế chưa đến mức độ của một trạng thái khẩn cấp. Tôi cho rằng nhà nước đã rất chủ động trong chủ trương và quyết liệt trong hành động phòng chống dịch.

Tuy nhiên, sự quyết liệt trong hành động không đồng nghĩa với sự dễ dãi can thiệp trực tiếp vào giá cả sản phẩm, qua đó vi phạm các nguyên tắc vận động của nền kinh tế thị trường. Các nhà lãnh đạo và quản lý, thực thi chính sách cần phải xem xét, cân nhắc thấu đáo tình hình thực tế để thực hiện những lựa chọn hành động duy lý, hiệu lực, và hiệu quả nhất có thể.

-Vậy đâu là những lựa chọn hành động hợp lý, thưa ông?

Theo tôi, thay vì trực tiếp can thiệp thị trường thông qua việc sử dụng các công cụ tổ chức và quyền lực hành chính, nhà nước có thể lựa chọn các công cụ thông tin để gián tiếp điều chỉnh hành vi của cả người dân và nhà kinh doanh.

Cụ thể, nhà nước cần chủ động thực hiện các chiến dịch thông tin và truyền thông để ổn định tâm lý của người dân, tránh hiệu ứng đám đông. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bộ Y tế cần sớm cung cấp những mô tả ngắn gọn và chính xác về dịch bệnh. Những phân tích chuyên môn và khuyến cáo của các chuyên gia cần được bộ Y tế xác nhận và công bố rộng rãi. Chẳng hạn như sử dụng khẩu trang và nước sát khuẩn có thực sự là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch hay không? Những ai thì nên dùng và dùng khi nào chứ không phải ào ào đi lùng mua do một nỗi sợ hãi mơ hồ. Các cuộc họp báo cập nhật tình hình cần được thực hiện cuối mỗi ngày để công chúng biết rõ tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo cần thiết.

Việc sử dụng bộ máy hành chính để can thiệp thị trường trong những tình huống chưa đến mức quá khẩn cấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy. 

Thực tế việc tăng giá có biểu hiện chủ yếu ở các thành phố lớn. Như vậy, nguồn hàng từ các địa phương lân cận vẫn có thể còn. Sở Y tế các thành phố lớn có thể kết nối với ngành y tế tại các địa phương để nắm tình hình nguồn hàng. Chỉ cần Sở y tế nơi có biểu hiện tăng giá khẩu trang công bố thông tin nhận đăng ký mua và phân phối đến người dân thì cũng có thể góp phần điều chỉnh mức giá trên thị trường tự do.

Với các cơ sở kinh doanh, chính quyền địa phương có thể tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá và công bố công khai cho người dân biết. Minh bạch thông tin sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn và tạo áp lực dư luận cho những cơ sở tăng giá trục lợi thái quá. Với những nơi không chịu giảm giá thì các hội, đoàn thể ở địa phương có thể cử đại diện đến vận động họ theo hướng phụng sự lợi ích xã hội, không nên tối đa hóa lợi nhuận dựa trên tâm lý lo lắng của đám đông.

Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh việc đe dọa hay tìm cách để đóng cửa những cơ sở không giảm giá xuống mức hợp lý. Sự cưỡng ép hành chính chỉ có thể được sử dụng như lựa chọn cuối cùng cho các tình huống thực sự khẩn cấp mà thôi.

- Từ câu chuyện tăng giá khẩu trang, bài học ứng phó cho tất cả các bên tham gia mối quan hệ thị trường và Nhà nước là gì, trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh hiện nay, thưa ông?

Rõ ràng, rất nhiều bài học cần rút ra. Với người dân, cần hết sức tỉnh táo để tránh những hành động cảm tính. Cần ý thức rằng, tâm lý đòi hỏi nhà nước can thiệp thị trường mà bất chấp các quy luật vận hành của nó chính là yếu tố hàng đầu cản trở các nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Và điều này, về lâu dài, sẽ gây thiệt hại cho chính người dân chứ không phải ai khác.

Các nhà kinh doanh cần đề cao đạo đức doanh nghiệp và coi trọng hơn vai trò phụng sự xã hội. Họ cần ý thức rằng, dịch bệnh chỉ là tình huống nhất thời, không phải là điều kiện bền vững để họ gia tăng lợi nhuận và phát triển. Yếu tố bền vững hơn là uy tín doanh nghiệp trong cộng đồng và xã hội. Để vun đắp uy tín thì việc chung tay với xã hội trong những tình huống bất thường nên là lựa chọn hàng đầu. Nếu chỉ vì sự tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn, họ có thể làm mất uy tín và thiệt hại hơn trong dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang thực hiện