Việt Nam chế tạo thành công bộ kit test virus SARS-CoV-2 đạt chuẩn WHO
Vừa qua, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện hàn lâm) đã công bố nghiên cứu chế tạo thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt chuẩn WHO.
Theo đó, bộ kit này được Viện Y học Dự phòng Quân đội kiểm nghiệm có độ nhạy đạt 2 copies/phản ứng với thời gian của quy trình chẩn đoán là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân và độ đặc hiệu đạt 100%, tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
PGS.TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học chia sẻ, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ khi dịch khởi phát, Viện Hàn lâm đã đề nghị các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về dịch bệnh này.
Có thể bạn quan tâm
VCCI Thanh Hóa kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do tác động COVID-19
15:02, 03/03/2020
[COVID - 19] Liệu pháp NIỀM TIN
11:30, 03/03/2020
[COVID-19] Phép thử cho tiến trình tái cơ cấu
11:00, 03/03/2020
Tìm thấy hy vọng mới trong điều trị COVID-19
03:00, 03/03/2020
Bộ kit chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 được phát triển dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gen và vùng gen quan trọng của virus được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình tự.
Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ Kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tách chiết từ virus COVID-19 gây bệnh cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp, các gen cũng như các vùng gen được nhân dòng từ RNA của chủng virus mới này để làm mẫu chuẩn cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò.
Các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Viện Y tế dự phòng quân đội cung cấp.
Các hóa chất được sử dụng trong bộ Kit bao gồm các sinh phẩm dùng cho việc nhân gen, kiểm tra gen, các Master Mix, các bộ mồi và mẫu dò để chế tạo Kit. Các thiết bị chính được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm tủ cấy vô trùng, máy li tâm lạnh, máy nhân gen (PCR), bộ điện di DNA, máy soi chụp gel, máy quang phổ NanoDrop, tủ lạnh sâu -80oC, tủ lạnh thường, máy Real-time PCR...
Do đó, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, đứng đầu là PGS.TS Đồng Văn Quyền và PGS.TS Đinh Duy Kháng đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và đã chế tạo thành công bộ KIT chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận được hợp tác với các đơn vị trong nước như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Y học dự phòng quân đội, kết nối với các Trung tâm Quốc tế như CDC Trung Quốc, CDC USA, CDC Nhật Bản, WHO…để thực hiện thành công nghiên cứu trên.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo bộ Kit realtime RT-PCR dùng để chuẩn đoán SARS-Cov-2 tại Việt Nam, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại nước ngoài, vốn cũng đang khan hiếm.
Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều phục vụ xét nghiệm quy mô lớn, giúp Việt Nam có thể chủ động trong sàng lọc, chuẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp do SARS-Cov-2 gây ra.
Đồng thời, nhiệm vụ ‘‘Giải trình tự hệ gen của virus SARS-CoV-2 gây bệnh trên các bệnh nhân người Việt Nam’’ đang được Viện Công nghệ sinh học khẩn trương triển khai thực hiện. Dự kiến, kết quả về bộ gen Virus COVID-19 sẽ được thông báo chi tiết khi hoàn thành.
Có thể thấy, với với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Cụ thể, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp của Mỹ cũng quan tâm thúc đẩy hợp tác y tế với Việt Nam. Theo Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN (USABC), trong đoàn hơn 40 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam từ ngày 3-6/3 sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên về y tế, dược phẩm nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác về y tế.
Chính vì vậy, những bước tiến mới trong việc nghiên cứu các công cụ, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các chuyên gia trên thế giới nhanh chóng tìm ra cách thức ngăn chặn và phòng dịch trong bối cảnh COVID-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.