[COVID-19] Việt Nam không “ngủ quên trên chiến thắng"!

Minh Phong 05/03/2020 11:00

Với việc Sơn Lôi được gỡ bỏ lệnh cách ly, chúng ta đã có thêm một điểm phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng.

Sau 21 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly, không để xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới, 0h ngày 4/3, lệnh cách ly ở xã Sơn Lôi sẽ được gỡ bỏ, cuộc sống người dân đã được trở lại bình thường.

Sau khi có lệnh dỡ chốt, người dân xã Sơn Lôi đi lại bình thường.

Sau khi có lệnh dỡ chốt, người dân xã Sơn Lôi đã được đi lại bình thường.

Tin vui này được hiện hữu trên từng khuôn mặt người dân xã Sơn Lôi nói riêng và nhiều người dân cả nước nói chung.

Đây đúng là tin rất vui bởi với thành công này, chúng ta đã có thêm một điểm phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Và quan trọng hơn, niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, Chính phủ trong việc phòng chống, dập dịch ngày càng được củng cố, nâng cao.

Mặc dù rất phấn khởi với việc gỡ bỏ lệnh cách ly tại xã Sơn Lôi, song ông Nguyễn Minh Trung - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên vẫn nhấn mạnh: "Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, huyện Bình Xuyên sẽ tiếp tục lập danh sách công dân địa phương đang làm việc, sinh sống tại nước ngoài để có biện pháp phù hợp; tiếp tục giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh trên địa bàn, đặc biệt là người dân trở về từ Hàn Quốc, Iran, Italy...”.

“Chính quyền địa phương cũng sẽ duy trì các khu cách ly tập trung để sẵn sàng khi cần sử dụng; phun hoá chất khử trùng trường học, chợ, những nơi tập trung đông người”. - ông Trung cho biết thêm.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 của xã Sơn Lôi nói riêng và chính quyền huyện ủy Bình Xuyên nói chung trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Và càng đáng được hoan nghênh hơn khi lãnh đạo địa phương không “ngủ quên trên chiến thắng” mà đã rất thận trọng đưa ra những biện pháp phòng tránh dịch cần thiết cho những ngày sau, ngay cả khi tỉnh này đã được công bố hết dịch.

Có thể nhận thấy, từ khi phát dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt, 16 bệnh nhân nhiễm virus đã khỏi hoàn toàn.

Tính đến 13/2, cả nước có 16 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp (9 trường hợp ở huyện Bình Xuyên, 1 trường hợp ở Tam Đảo và 1 trường hợp ở Tam Dương).

Từ ngày 13/2 đến nay, cả nước chưa ghi nhận trường hợp nhiễm mới.

Trong khi đó, cập nhật đến 22h50 ngày 4/3 trên worldomester.info cho thấy, thế giới có 95.180 ca nhiễm-19; 3.254 ca tử vong; 52 ca mới: Italy: 28; Iran: 15; Hàn Quốc: 3, Mỹ, Iraq: 2; TBN, Australia: 1.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) đã ghi nhận năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam luôn có tinh thần không được chủ quan, nhất là khi dịch COVID-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia.

Theo đó, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Tinh thần lớn là không được lơ là, không để sợ hãi ảnh hưởng đến tâm lý người dân, xã hội nhưng thái độ không được chần chừ hoặc thỏa mãn mà phải quyết liệt, đặc biệt không được chủ quan”.

Dù kết quả thành công bước đầu trong phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao, nhưng Việt Nam không chủ quan chút nào, ngược lại rất thận trọng trong công việc phòng chống dịch.

Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy...) được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc từ 0 giờ ngày 29/2, tạm ngưng chế độ đơn phương miễn thị thực đối với công dân Italy từ 0h ngày 3/3…

Đây là các biện pháp tạm thời trong tình hình dịch bệnh, quốc gia nào cũng phải thực hiện, không phải chỉ vì bảo vệ an toàn cho đất nước mình, mà tham gia vào hoạt động phòng chống dịch cho toàn thế giới. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các gói hỗ trợ phải đến ngay với doanh nghiệp và người dân

    13:20, 04/03/2020

  • Để thị trường nội địa "thích ứng" với COVID-19

    13:00, 04/03/2020

  • NHNN: Hơn 926 ngàn tỷ đồng dư nợ ảnh hưởng bởi COVID-19

    14:16, 04/03/2020

  • Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19: Cứu doanh nghiệp là cứu chính mình!

    11:02, 04/03/2020

  • “Cửa” nào cho doanh nghiệp cá tra trong mùa dịch COVID-19

    11:00, 04/03/2020

  • [COVID-19] Sơn Lôi đã hết cách ly!

    08:46, 04/03/2020

  • Kịch bản ứng phó của Việt Nam nếu dịch COVID-19 lan rộng

    23:46, 03/03/2020

  • [COVID-19] Du lịch Việt thiệt hại 7 tỷ USD

    18:12, 03/03/2020

  • [COVID-19] Phép thử cho tiến trình tái cơ cấu

    11:00, 03/03/2020

  • Tìm thấy hy vọng mới trong điều trị COVID-19

    03:00, 03/03/2020

Tuy nhiên, phòng tránh dịch COVID-19 không có nghĩa là dừng lại các hoạt động kinh tế.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3 vừa qua, chúng ta phải thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

“Kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ, nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế; chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân”. – Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục biện pháp cách ly và giao việc này cho quân đội đảm nhận và cần làm tốt hơn theo sự điều hành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Trong lúc chưa có phương tiện phát hiện sớm, đối với người nhiễm bệnh thì cách ly là phương pháp tốt nhất. Nếu do dự trong việc này, sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng cũng lưu ý phải đối xử với người cách ly văn minh, chu đáo.

Đúng vậy, có thể nói, đến thời điểm này, Việt Nam đã khống chế được các nguồn lây nhiễm bên trong. Do đó, việc lập phòng lập phòng tuyến y tế cũng như kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ để không có sự xâm nhập từ bên ngoài là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân trong nước.

Đối với vấn đề kinh tế, đúng là sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Và để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngay tại buổi họp Chính phủ ngày 3/3, Thủ tướng đã khẳng định: Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ  tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỉ sắp được “tung” ra.

Theo Thủ tướng, các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính sẽ tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

“Hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin cho, thiếu minh bạch”. - Thủ tướng nhấn mạnh.

Xin cảm ơn những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng.

Xin cảm ơn sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và đặc biệt là các y, bác sĩ, các chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này.

Xin hãy nhớ, để dịch bệnh không lây lan, bên cạnh những nỗ lực từ phía các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm, các bộ ngành, Chính phủ..., thì ý thức người dân trong việc phòng tránh lây nhiễm, chủ động cách ly nếu nghi ngờ lây nhiễm rất quan trọng.

Và Sơn Lôi là chính một ví dụ điển hình trong việc toàn xã đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh.

Tin rằng, với những nỗ lực kể trên, Việt Nam sẽ không chỉ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 mà còn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như Chính phủ, Quốc hội đã đề ra.

Minh Phong