“Vaccin” chống hạn mặn!
Đúng như dự báo, ngay từ hôm qua (11/3), nông dân Miền Tây đã tiếp tục bước vào “trận chiến” chống đợt xâm nhập mặn mới.
Phòng thủ từ xa...
Theo dự báo của Viện khoa học thủy lợi Miền Nam, từ ngày 7-13/3, các tỉnh ven biển ĐBSCL phải oằn mình chống chọi với một đợt mặn mới với mức độ khốc liệt nhất có khi còn vượt cả đỉnh điểm hạn mặn lịch sử năm 2016.
Đi dọc các cánh đồng Nam sông Măng Thít, Cổ Chiên vòng qua các huyện bờ Đông sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long trong ngày 11-12/3, đâu đâu cũng nghe bàn việc chống hạn, mặn cho ruộng lúa, vườn cây, ao cá.
Dưới cái nắng cháy da giửa trưa, nông dân Nguyễn Văn Tám, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm vẫn không dám nghỉ, tranh thủ bơm nước vào đồng trước khi nước mặn tràn về.
Chủ tịch xã Trung Thành Tây - ông Phan Tấn Tài cho biết: Năm nay nhờ được đầu tư nhiều dự án ngăn mặn, trữ ngọt và được huyện trang bị máy đo mặn, Phòng nông nghiệp huyện cũng cặp nhật nồng độ mặn qua tin nhắn SMS để xã thông báo cho bà con nên cũng đỡ lo hơn những năm trước.
Từ khi dự án thủy lợi Mây Phốt-Ngã Hậu thuộc 2 huyện Vũng Liêm-Càng Long hoàn thành nâng cấp mặt cắt kênh lên 25m, nút thắc cổ chai cống An Điền trên quốc lộ 53 được thay thế bằng cầu thì nguồn nước ngọt đã về giải hạn cho hơn 8.000 ha đất nông nghiệp nơi đây.
Ông Lê Văn Mãnh, ấp Xuân Minh 1, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm vui mừng cho biết: “Trước đây con kênh này bị bồi lắng, mùa khô cạn tới đáy, lấy nước nấu ăn còn không đủ nói chi trồng lúa. Mới năm nay con kênh này được nhà nước đầu tư mở rộng gấp nhiều lần nước ngọt về quanh năm chúng tôi không còn sợ khô hạn nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Đồng bằng sông Cửu Long đang chết dần chết mòn
19:19, 11/03/2020
Hạn, mặn ĐBSCL: Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi?
06:00, 10/03/2020
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 5): Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với biến đổi khí hậu
05:00, 28/02/2020
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 4): Nông dân không thể tự bơi!
11:36, 25/02/2020
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 3): Tìm giải pháp cấp bách
16:09, 22/02/2020
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 2): Sạt lở, sụt lún báo động!
11:00, 21/02/2020
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 1): Đồng khô cỏ cháy!
05:00, 20/02/2020
Ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “Từ khi con kênh được cơi nới thì không chỉ nông dân khỏe về khoản nước nôi mà còn bán lúa được gia cao hơn vì trước ghe lớn không vào được nên phải vận chuyển từng chút bằng xuồng nhỏ ra sông lớn, tính ra chi phí mất thêm 200 đồng/kg. Ngoài phục vụ sản xuất tuyến bờ đê 2 bên còn được gia cố mở rộng xe ô tô có thể lướt qua từng thửa ruộng, đây là quả là điều hơn cả mơ ước của người dân nơi đây từ ngàn đời qua”.
Nông dân Nguyễn Văn Việt Huyền cho biết, do khó khăn nguồn nước, trước đây đất ruộng chuyển nhượng chỉ vài chục triệu/công cũng không ai mua, nay thì có người trả hàng trăm triệu/công cũng không ai muốn bán.
Theo đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 10-Bộ NN&PTNT: dự án nạo vét kênh Mây Phốt-Ngã Hậu vừa hoàn thành có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng đã đạt mục tiêu cấp nước ngọt bổ sung cho 30.000ha, tiêu úng, thao chua, rửa phèn, đẩy mặn cho 160.000ha đất sản xuất kết hợp nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái thuộc 5 xã của 2 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long.
... đến “vaccin” phòng xâm nhập mặn
Chiều ngày 11/3 tại cống Tân Dinh, giáp ranh giửa huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và Cầu Kè (Trà Vinh), như thường ngày, ông Đỗ Chí Thuận - phụ trách vận hành cống tay không rời máy đo độ mặn để canh nước đóng mở cống phục vụ cho bà con.
Ông Thuận cho biết do chế độ bán nhật triều (một ngày hai con nước lớn ròng), độ mặn cao nhất là lúc triều lên. Để xác định thời điểm đóng mở cống thì phải đo cập nhật liên tục. Khi thấy độ mặn lên gần 1‰ thì phải nhanh chóng đóng cống và khi nước bên ngoài xuống dưới 1‰ thì mở cống cho xuồng ghe qua lại.
Ông Huỳnh Văn Điệp có 8 công đất sản xuất nông nghiệp hưởng lợi từ dự án này vui mừng cho biết: Từ khi công Tân Dinh được đưa vào sử dụng, bà con nông dân đây không còn phải thức đêm canh nước vì đã có cán bộ vận hành cống này lo thay. Do được đóng mở cống đúng lúc nên nước phía bên trong cống lúc nào cũng dưới 1‰ nên rất an tâm để sử dụng.
“Cống Tân Dinh không chỉ ngăn mặn, trữ ngọt mà bên trên cống còn kết hợp cầu, đường rất thuận tiện cho người dân trong đi lại vận chuyển nông sản”, ông Trần Văn Sanh - ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè nhà gần khu vực cống Tân Dinh cho biết thêm.
Ông Hứa Thanh Sơn - Giám đốc Xí nghiệp thủy nông huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện xí nghiệp đang quản lý vận hành hệ thống 15 cống trên tuyến đê Mỹ Văn-Bà Nghệ. Trong đó có 2 cống lớn nhất là Bông Bót, Tân Dinh.
Đây là 2 cống có khẩu độ lớn và được đầu tư công nghệ hiện đại: đóng mở bằng thủy lực. Ưu điểm của 2 cống này là thời gian đóng mở chỉ mất 20 phút vận hành, rất tiện lợi phù hợp với chế độ bán nhật triều. Khi nước chuyển mặn thì 20 phút sau cửa cống được đóng kín, đây là điều mà các cống công nghệ nấp đóng thẳng không làm được.
2 cống này cùng với 13 cống khác đã tạo thế liên hoàn khép kín bảo vệ cho hơn 30.000 ha đất sản xuất và ngườn nước ngọt cho hàng ngàn hộ dân của các huyện Cầu Kè, Trà Ôn,Vũng Liêm thuộc tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.
Theo ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh: Trong điều kiện ranh mặn lấn sâu vào nội địa, những nơi trước đây ngọt hoàn toàn cũng bị mặn từ 2-3 tháng. Nếu các giải pháp ngăn mặn như việc đầu tư các cống ngăn mặn chủ động thì thiệt hại trong mùa hạn mặn này khó mà lường hết được.
Đối với người nông dân vùng hạn mặn thì góc nhìn mộc mạc hơn họ ví nước mặn như dịch bệnh xuất hiện bất ngờ khó lường do đó họ xem các cống ngăn mặn như liều “vaccin” để ngăn chặn “dịch xâm nhập mặn”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý vượt kế hoạch từ 6-13 tháng. Qua đó, đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020, như: Cống Âu Ninh Quới (Hệ thống thủy lợi Quản Lộ- Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu,... Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng XNM đến 300.000 ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên,... |