[COVID-19] Thủ tướng yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình dịch bệnh
Hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm tình hình các ca nhiễm, hoặc các đối tượng đi trên các phương tiện dễ lây nhiễm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu như vậy khi chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chiều nay (20/3).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trước khi phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các đại biểu cùng nhắn tin ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 (cú pháp CV n gửi 1407, trong đó là số lần với mỗi lần là 20.000 đồng).
Nhắc lại nội dung cuộc họp sáng cùng ngày của Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đã đánh giá, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phòng chống dịch COVID-19, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều lỗ hổng, nhiều khuyết điểm, tồn tại, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn, cho nên không được chủ quan, thỏa mãn mà phải thấy khuyết điểm, tồn tại để khắc phục tốt hơn.
Đề cập đến ý kiến cho rằng “giai đoạn vàng” chống dịch vẫn còn 1 tuần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta ngăn chặn được thì thành công, còn không thì thất bại. “Không được thỏa mãn non với kết quả bước đầu vừa qua”.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Phi công đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam
20:30, 20/03/2020
Doanh nghiệp dệt may "lao đao" do EU, Mỹ ngừng nhập hàng vì COVID-19
17:21, 20/03/2020
[COVID-19] Hai nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2
16:00, 20/03/2020
[COVID-19] Tăng cường tầm soát, chặn dịch bên trong
15:36, 20/03/2020
Cú sốc lao động do COVID-19 có thể lớn hơn khủng hoảng tài chính 2008
15:32, 20/03/2020
[COVID-19] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất"
15:15, 20/03/2020
[COVID-19] Bệnh nhân thứ 18 đã được xuất viện
11:38, 20/03/2020
Theo Thủ tướng, cần vận động xã hội thay đổi thói quen, đó là giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, sử dụng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm.
Tiếp tục yêu cầu không tụ tập đông người. Khuyến cáo mọi người dân ít ra nơi công cộng. Những hình thức giải trí như karaoke, giao lưu khác cần dừng lại, thậm chí yêu cầu đóng cửa.
Các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo có cơ chế giải quyết các vấn đề đặt ra thuận lợi hơn, thông thoáng hơn. Các Bộ chức năng phải giải quyết công việc như “thời chiến”, không phải trình qua, trình lại, gây chậm trễ. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới thực hiện.
Lãnh đạo phải bình tĩnh, cương quyết và kịp thời xử lý các tình huống đặt ra. Quân đội là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung.
Hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ra đến tận nơi, đến từng đoàn viên, hội viên của mình trong công cuộc thống kê, nắm tình hình các ca nhiễm, hoặc các đối tượng đi trên các phương tiện dễ lây nhiễm. Tổ dân phố, chính quyền cơ sở là “pháo đài” chống dịch thì cần làm tốt khâu thống kê, nắm tình hình trong khu vực của mình, không để tình trạng “tìm kim đáy biển”.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu là ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không được để lây lan rộng ra cộng đồng.
Hạn chế tối đa mọi đối tượng vào Việt Nam, kể cả hàng không, đường bộ, đường biển.
Nhấn mạnh yêu cầu dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán phải vận động, khuyến cáo bà con không về nước nếu không thực sự cần thiết, còn trường hợp bà con vẫn quyết tâm về thì tập hợp nhu cầu, có kế hoạch cụ thể.
Sứ quán nắm tình hình, cung cấp thông tin cho ngành Giao thông vận tải tổ chức các chuyến bay chở bà con về theo đợt, có kiểm soát. Tất cả người vào Việt Nam phải cách ly quyết liệt 100%. Xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, trốn cách ly.
Ngành y tế và các cơ quan chức năng chủ động, phát hiện sớm các ca dương tính để cách ly khỏi cộng đồng kịp thời hơn, chống lây lan. Ngành y tế đề xuất, giao các địa phương cùng với lực lượng quân đội cũng như ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuẩn bị các cơ sở vật chất phục vụ cách ly.
Việc xét nghiệm sớm, điều trị tích cực, trách nhiệm, hạn chế tử vong là yêu cầu đối với ngành y tế. Thủ tướng cũng lưu ý, phải có phương án bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế tốt hơn nữa.
Cơ bản dừng các đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế tối đa khách vào Việt Nam.
Đánh giá cao vai trò của truyền thông, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không tạo bi quan trong xã hội, tạo niềm tin cho người dân.
Đặc biệt, truyền thông về nhiều mô hình tốt, sự nhân ái, sự hỗ trợ của cộng đồng, của các nhà khoa học, của các nhân viên ngành y tế trong thời gian qua. Phải truyền thông mạnh mẽ các biện pháp dự phòng hiệu quả, giảm kỳ thị và sợ hãi của xã hội. Chủ động thông tin những ca nặng, có khả năng tử vong…
Thủ tướng đồng ý đề xuất giao Bộ Quốc phòng mua 10 xe xét nghiệm lưu động phục vụ xét nghiệm tại cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động tích cực, trách nhiệm hơn nữa, nắm chắc tình hình, báo cáo xử lý kịp thời, phát hiện sớm mọi ca bệnh, cách ly nhanh và điều kiện tích cực.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm đầy đủ để phục vụ người dân, không để tình trạng găm hàng, thổi giá, đầu cơ tích trữ.