[COVID-19] Hãy cảm thông, chia sẻ thay vì kỳ thị nhau
“Các bạn ơi, nếu có thể xin hãy đừng bài xích hay tẩy chay người ngoại quốc, bất kể là người nước nào trong thời điểm nhạy cảm này”.
Đó là lời kêu gọi của một tài khoản Facebook sau khi chứng kiến một vị khách Hàn Quốc bị anh “lơ” tuyến Hà Nội đi Bắc Ninh đuổi xuống xe đang nhận được nhiều bình luận nóng trên mạng xã hội.
Theo như câu chuyện người phụ nữ kể lại, trên chuyến xe khách Hà Nội - Quảng Ninh để về quê thăm con, khi đi đến gần khu vực Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), lơ xe bắt đầu thu tiền của mọi người.
Chuyện sẽ chẳng có gì cho đến khi anh ta hỏi vị khách về đâu, vị khách trả lời "về Quế Võ". Nghe thấy giọng lơ lớ của vị khách, anh lơ xe hỏi lại: “Người nước nào? Trung Quốc à?”
“Không, tôi là người Hàn Quốc…" Ngay lập tức lơ xe yêu cầu lái xe dừng lại và đuổi bác xuống. Lúc này, mọi người trên xe đều thấy bất bình và xin nhà xe giúp bác ấy được ở lại. Lái xe đồng ý nhưng anh lơ xe nhất quyết đuổi bác.
Trước khi xuống xe, bác nói lại: “Tôi đã sống ở Việt Nam 30 năm rồi và tôi không làm gì sai”.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã vào giai đoạn phức tạp, lây lan rộng đến hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ở nước ta, năng lực y tế của chúng ta đủ để chống dịch, khẩu trang hay nước sát khuẩn giờ không thiếu, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt, tuy vẫn còn nhiều thách thức.
Vì thế, lo lắng là tâm lý chung của cả cộng đồng vào lúc này trước diễn biến phức tạp của COVID-19. Tuy nhiên, ý thức của mỗi người mới là câu chuyện đáng nói.
Có những người vì quá hoang mang đã nảy sinh hiện tượng kỳ thị đối với người nước ngoài trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS- CoV-2.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Hà Nội vẫn giám sát nhà bệnh nhân thứ 17 sau lệnh gỡ bỏ cách ly Trúc Bạch
22:38, 20/03/2020
[COVID-19] Thủ tướng yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình dịch bệnh
20:40, 20/03/2020
[COVID-19] Phi công đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam
20:30, 20/03/2020
[COVID-19]: Việt Nam ghi nhận 91 ca mắc Covid-19
20:02, 20/03/2020
[COVID-19] Hai nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2
16:00, 20/03/2020
[COVID-19] Tăng cường tầm soát, chặn dịch bên trong
15:36, 20/03/2020
Đừng kỳ thị nhau lúc này!
05:58, 19/03/2020
[COVID-19] Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị du khách nước ngoài
12:13, 18/03/2020
Không chỉ tâm lý kỳ thị người nước ngoài, mà thời gian qua đã có một số suy nghĩ tiêu cực như thế với chính đồng bào của mình.
Cách đây không lâu, hình ảnh một thanh niên Vĩnh Phúc đeo khẩu trang, giơ lên tấm biển “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!” khiến nhiều người nhức nhối, đau lòng.
Hoặc, đáng buồn hơn là chính các bác sĩ trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus Sars-Cov-2 cũng tâm sự rằng, dù họ có khó khăn vất vả đến đâu, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng cũng không ngại, nhưng điều họ lo ngại là sự kỳ thị của cộng đồng đối với bản thân, gia đình và người thân…
Trong khi, lẽ ra những bác sĩ và gia đình họ xứng đáng là những “anh hùng” trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh dịch.
Thực tế đó cho thấy, sự kỳ thị giữa dịch COVID-19 xuất phát từ nỗi sợ hãi. Cái nguy hiểm ở chỗ, khi bản thân hoặc ai đó bị kỳ thị, miệt thị, rất hiếm người có suy nghĩ tích cực mà đa số sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực. Nên tâm lý kỳ thị sẽ là rào cản trong việc hợp tác điều trị, cách ly hoặc phòng tránh cho cộng đồng.
Rõ ràng, thái độ kỳ thị đang đi ngược lại nỗ lực trong việc kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh lây lan, khiến cho công tác này càng thêm khó khăn. Trong diễn biến khó lường của dịch COVID-19 và của nhiều loại bệnh khác, ai dám chắc “hoạ” sẽ không rơi vào mình và gia đình mình.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, COVID-19 là bệnh mới nên dễ hiểu khi việc xuất hiện cũng như lây lan của nó khiến tâm lý người dân lo lắng và sợ hãi. Từ đó góp phần tăng thêm các định kiến có hại, làm tan vỡ các mối quan hệ xung quanh.
Để lọai bỏ tâm lý kỳ thị nhau giữa mùa dịch COVID-19 trong cộng đồng, để giữ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hiếu khách, thân thiện, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi tẩy chay, kỳ thị du khách nước ngoài.
Nhưng, trước khi ai đó bị xử lý bằng chế tài của luật pháp thì hãy nhớ một điều: “Không ai có thể nắm tay từ sáng đến tối”…
Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, để biết cảm thông, chia sẻ thay vì có hành động kỳ thị, miệt thị họ. Đừng để trước khi chết vì dịch, người ta đã có thể chết vì sự kỳ thị.
Xin đừng kỳ thị nhau vì mình là người Việt Nam - những con người của một dân tộc nhân văn, anh hùng!