[COVID-19] "Cháy" thuốc chữa sốt rét và câu chuyện “bác sĩ mạng”

Minh Phong 24/03/2020 05:30

Dù các bác sĩ đã có nhiều cảnh báo về hậu quả đáng tiếc, thế nhưng vẫn còn nhiều người tin vào sự phán đoán của... “bác sĩ mạng”.

Câu chuyện người đàn ông Hà Nội cấp cứu vì uống 15 viên thuốc sốt rét ngừa COVID-19 là một ví dụ sống động nhất, mới nhất, thời sự nhất về vấn đề này.

Hơn một tuần trở lại đây, thị trường dược bỗng dưng… “cháy” sản phẩm thuốc chữa sốt rét.

Nguyên nhân được cho là do Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu trên CNN, cho biết Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ.

Nhiều người dân đang đổ xô đi mua thuốc trị sốt rét để tích trữ trong nhà theo lời mách trên mạng

Nhiều người dân đang đổ xô đi mua thuốc trị sốt rét để tích trữ trong nhà theo lời mách của "bác sĩ mạng". Ảnh: Internet.

Trước đó, thông tin Trung Quốc đã có nghiên cứu tương tự và cũng đã có thử nghiệm thuốc chữa sốt rét trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng cũng được tuyên truyền trên nhiều tờ báo nước ngoài và một số tờ báo trong nước.

Từ các thông tin kể trên, người ta đồn thổi, kháo nhau trên các trang mạng xã hội về tác dụng của loại thuốc chữa sốt rét có hoạt chất chloroquine và hydroxycloroquine có thể phòng, chống được dịch COVID-19.

Việc rất nhiều người tìm mua loại thuốc này đã khiến giá thuốc bị đẩy cao vọt, từ dưới 100.000đ/hộp (ở thời điểm tuần trước), đến nay đã tăng đến hơn 300.000 đồng. Riêng loại thuốc nhập khẩu hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên đã tăng lên 500.000đ/hộp, tăng rất mạnh so với trước mà nhiều nơi còn không có để mua.

Hiện tại, nhiều cửa hàng bán thuốc cho biết đã “cháy” loại thuốc này, không còn để bán cho dân.

Tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội.

Tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh: Internet.

Vậy thực hư tác dụng của loại thuốc này đối với phòng, chống COVID-19 ra sao?

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, đúng là Cơ quan FDA của Mỹ, Trung Quốc, Pháp có nghiên cứu thuốc này vài ca, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả thuốc trị sốt rét trên bệnh nhân COVID-19. Muốn có bằng chứng thì phải làm nghiên cứu và có so sánh khoa học.

Còn theo ông Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, loại thuốc kể trên đang sử dụng trong điều trị sốt rét tại Việt Nam. Muốn sử dụng điều trị bệnh khác thì phải có phác đồ và phác đồ đó phải được Bộ Y tế phê duyệt.

"Thuốc cũng có chống chỉ định với trường hợp dị ứng thuốc, người bị bệnh gan... nên không thể sử dụng tràn lan và đây cũng không phải thuốc sử dụng cho dự phòng, chỉ dùng khi đã mắc bệnh". - ông Dương cho biết thêm.

Mới đậy, trên Facebook cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có bài phân tích cụ thể, với sự đóng góp của dược sĩ Hà Quang Tuyến, về nguy hiểm khi sử dụng thuốc này.

Facebook

Facebook của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ phân tích cụ thể về nguy hiểm khi sử dụng thuốc chống sốt rét.

“Hydroxycloroquin/Cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ...

Hydroxycloroquin là Cloroquin có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với Cloroquin thông thường cho dù vậy thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ, có thể lấy ví dụ như với mắt - gây phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

Với máu, gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Với tim mạch, gây ra bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử”.- Bài phân tích nêu rõ.

Với vấn để sử dụng thuốc sốt rét để điều trị Covid-19, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, câu trả lời là có thể, nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vaccine vậy.

"Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Vậy, vì sao chưa chứng minh rõ ràng hiệu quả của loại thuốc trị sốt rét trên bệnh nhân COVID-19 mà người dân Việt Nam lại đổ xô đi mua dự trữ loại thuốc này?

Câu trả lời rất nhanh: Tích trữ là do tâm lý lo sợ dịch bùng phát nhanh. Còn việc quyết mua loại thuốc này bởi vì tin đồn lan rộng và niềm tin trên… mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, Google, mạng xã hội là mạng mở, ai muốn đưa gì lên cũng được, tìm thứ gì cũng có, bách bệnh hỏi đều ra. Thế nhưng nguồn gốc, độ xác thực lại không ai kiểm chứng.

Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành, quân đội, cơ quan liên quan đang quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 nhưng không thể phủ nhận, mỗi ngày “đếm” số bệnh nhân COVID-19 tăng thêm, tâm lý của khá nhiều người dân đã bị dao động, lo lắng.

Cũng bởi khá nhiều người dân lo ngại dịch bệnh lan rộng, nhà nước không đủ cơ sở cách ly, không đủ thuốc chữa bệnh nên họ đã tìm kiếm thông tin về các loại thuốc có khả năng chữa trị dịch bệnh.

Và trong lúc tâm lý hoang mang như vậy, lại bắt gặp những bài viết khen ngợi trên mạng, những bình luận tích cực về loại thuốc chữa sốt rét này có tác dụng với bệnh nhân COVID-19 họ đã không ngần ngại lùng mua, xuống tiền cho dù giá cả có bị nâng cao gấp vài lần.

Người dân nên

Người dân nên cẩn trọng khi tham khảo thông tin và các loại thuốc chữa bệnh từ "bác sĩ mạng"

Câu chuyện về người đàn ông Hà Nội cấp cứu vì uống 15 viên thuốc sốt rét ngừa COVID-19 là một bài học cần rút kinh nghiệm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát như thế này.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam. 

Bệnh nhân là nam giới, 44 tuổi ở Hà Nội. Nghe thông tin Mỹ dùng thuốc điều trị sốt rét chloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, sau đó lại có thông tin có thể uống thuốc này để dự phòng ngừa COVID-19 nên bệnh nhân đã mua 100 viên về tích trữ để dùng cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên sau khi uống 15 viên cloroquin, bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp, tụt huyết áp… được đưa đi cấp cứu tại BV địa phương. Bác sĩ tại đây đã rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy trước khi chuyển bệnh nhân lên BV Bạch Mai. May mắn do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua khỏi và vừa được xuất viện.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: 10-15 ngày tới quyết định sự thành, bại chống COVID-19

    18:25, 23/03/2020

  • [COVID-19] Ca bệnh thứ 122 vừa trở về từ Thái Lan

    19:25, 23/03/2020

  • [COVID-19] Giải pháp và kịch bản sẵn sàng cho các khu cách ly tại Phú Yên

    13:45, 23/03/2020

  • COVID-19 giai đoạn 2: Quân với dân một ý chí!

    12:04, 23/03/2020

  • COVID-19: "Coronavirus time" - Thời kỳ của cơ hội đột phá lịch sử

    11:17, 23/03/2020

  • "Cú sốc" COVID-19 và cơ hội tái cơ cấu lực lượng lao động

    09:00, 23/03/2020

Trước tình trạng này, ngày 23/3, Cục Quản lý dược đã có văn bản yêu cầu chỉ được bán thuốc trị sốt rét cho người có đơn thuốc, xử lý nghiêm các cơ sở bán không cần đơn.

Cục Quản lý dược cho biết, việc tự sử dụng chloroquine, hydroxychloroquine (thuốc trị sốt rét, lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp dạng thấp) để điều trị, dự phòng COVID-19 có thể gây nguy hiểm tính mạng, do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Đây là thuốc kê đơn, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc.

Trước đó, Bộ Y tế cũng cho biết thuốc này cũng chưa được Bộ Y tế phê duyệt chỉ định dự phòng, điều trị COVID-19, người dân tuyệt đối không nên mua, tích trữ cho mục đích này. Với các hiệu thuốc, Bộ Y tế yêu cầu không găm hàng, tích trữ, không tăng giá bán, tuyệt đối không bán thuốc này cho người mua không có đơn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế thanh kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý ngay các trường hợp bán thuốc không có đơn theo quy định, đồng thời rà soát lại các mặt hàng thuốc hiện có, đặc biệt là các thuốc chống dịch, đặt hàng và mua sắm ngay để đảm bảo nhu cầu chống dịch của địa phương.

Thiết nghĩ, việc tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, bệnh lý là việc rất được khuyến khích nhằm nâng cao kiến thức về phòng bệnh và có thái độ tốt trong điều trị. Tuy nhiên, việc tự ý điều trị dựa trên các thông tin có được từ Internet là rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Cần phải nhớ, mỗi một bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, khác nhau về giới tính, độ tuổi, thể trạng và cơ địa. Và việc ra quyết định điều trị như thế nào phụ thuộc phần nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm của thầy thuốc dựa trên những chứng cứ khoa học sau khi đã tham khám toàn diện và trao đổi với bệnh nhân. 

Xin đừng để những sai lầm đáng tiếc xảy ra với cơ thể quý giá của mỗi chúng ta từ những hành động thiếu hiểu biết không đáng có!

Minh Phong