"Cải tổ" chiến lược đào tạo nghề

Thy Hằng thực hiện 26/03/2020 14:00

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị trực tuyến về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội vào cuối tháng 3/2020.

DĐDN đã phỏng vấn TS PHẠM MINH HUÂN, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về nội dung này.

Theo TS Phạm Minh Huân, đã đến lúc phải nhìn lại chiến lược đào tạo nghề ở tầm quốc gia, kể cả việc điều chỉnh Luật Lao động, Luật Dạy nghề tạo sự năng động, chuyên nghiệp trong thị trường lao động đối với đào tạo, phối hợp dạy nghề, cho mượn lao động...

- Việc biến động lao động sẽ phụ thuộc vào hướng chuyển đổi của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Theo tính toán, trong tháng 2 đã có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Theo tôi kịch bản có thể sẽ còn tệ hơn. Thời gian tới, không chỉ dừng ở con số 10-15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, tỷ lệ này sẽ tăng lên. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và sẽ bị phá sản nếu không đủ tiềm lực duy trì sản xuất kinh doanh.

Thực tế, doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là gia công, tức nằm ở khâu yếu và chịu rủi ro cao nhất của chuỗi sản xuất, khi dịch bệnh gây ra tình trạng đứt chuỗi cung ứng này, chúng ta chịu cú sốc cả cung lẫn cầu. Những doanh nghiệp như dệt may, da giày, điện tử thiếu nguyên liệu phải cho lao động sản xuất cầm chừng. Những doanh nghiệp đảm bảo được nguồn đầu vào cũng phải thu hẹp sản xuất do sức mua giảm, các nhà nhập khẩu giãn, thậm chí dừng đơn hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội dành hơn 36 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

    22:47, 15/02/2020

  • Gỡ vướng để doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

    11:00, 23/12/2019

  • Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhiều, giải ngân ít

    11:14, 13/12/2019

  • "Hiệp ước" ba nhà đào tạo nghề

    14:02, 26/11/2019

  • Khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề

    06:27, 20/11/2019

  • Doanh nghiệp gặp khó khi tham gia đào tạo nghề

    14:38, 16/11/2019

- Ông đánh giá thị trường lao động sẽ có sự biến động như thế nào khi đối tượng lao động phổ thông được đánh giá chịu tác động lớn nhất? Cần có chính sách hỗ trợ như thế nào?

Đương nhiên, lao động có ít kỹ năng hay lao động phổ thông sẽ chịu “tổn thương” lớn hơn, ví dụ lao động phổ thông trong lĩnh vực thuỷ sản, dệt may, da giày... sẽ có thể bị mất việc cao hơn do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Những lao động này tay nghề thấp, đã gắn bó lâu với doanh nghiệp, đây là dịp doanh nghiệp sa thải đối tượng lao động này. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho nhóm đối tượng này ngoài chính sách hỗ trợ thất nghiệp.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý, "cú sốc" về lao động lần này cũng chính là lời cảnh báo đối với vấn đề lao động không được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Các cụ nhà ta đã có câu "nhất nghệ tinh nhất thân vinh".

Những lao động được đào tạo bài bản sẽ có sự chuyên nghiệp cao, năng suất lao động cao hơn và đương nhiên sẽ ít có nguy cơ bị mất việc làm. Cho dù, doanh nghiệp nơi họ làm việc có thể có khó khăn và ngừng hoạt động, cơ hội để họ tìm được việc làm mới cũng cao hơn. Do đó, rất có thể sau những cơn "khủng hoảng" của thị trường lao động này, một xu hướng chú trọng được đào tạo chuyên sâu hay tìm kiềm những doanh nghiệp lớn để làm việc sẽ được đẩy mạnh.

- Vậy ông đề xuất chính sách hỗ trợ ra sao để đảm bảo lợi ích của người lao động cũng như chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp?

Với lao động, cần đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nếu điều kiện ngân sách cho phép có thể tạo điều kiện tại các trung tâm giới thiệu việc làm để lao động tìm việc làm mới. Đồng thời hỗ trợ lao động chi phí đào tạo tại các cơ sở đào tạo, có thể miễn học phí cho lao động đào tạo kỹ năng mới chuyển việc làm.

Về dài hạn, các chính sách cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo nguồn nhân lực cho mình, cho lĩnh vực mà mình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể được kiên kết với các trường nghề, liên kết với nhau trong cùng ngành nghề để chia sẻ nguồn nhân lực, cho mượn lao động chuyên nghiệp (như cho mượn cầu thủ bóng đá)...

- Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra giải pháp tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất, ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Hiện giải pháp này được Bộ đưa ra mới chung chung, chưa được cụ thể. Về bản chất, việc tạm dừng đóng chỉ là ngưng lại cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Phải cụ thể, nếu tạm dừng đóng cho doanh nghiệp, quyền lợi người lao động được tính toán như thế nào trong đoạn “ngắt” quãng này, bởi Quỹ bảo hiểm có nguyên tắc có đóng có hưởng, liền mạch.

Đặc biệt, nếu đề xuất được thông qua mới chỉ có những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và doanh nghiệp bị giảm thu 50% do ảnh hưởng của dịch được áp dụng.
Sau khi hoạt động sản xuất trở lại, sẽ có hai phương án, một là đóng nối tiếp, hai là bỏ qua quãng thời gian dừng đóng. Trước đây, chúng ta đã có tiền lệ, khi khủng hoảng tài chính năm 2008 chúng ta cũng đã dừng đóng BHXH cho doanh nghiệp trong năm 2009 và 2011, sau đó truy thu để đảm bảo tính liên tục cho người lao động. Bây giờ với dịch COVID-19 cũng thế, phải tính toán cân bằng lợi ích của người lao động cần giải pháp thế nào, doanh nghiệp thế nào và nhà nước thế nào.

- Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mới đây cũng có đề xuất tạm dừng đóng kinh phí công đoàn do ảnh hưởng dịch COVID-19, quan điểm của ông thế nào?

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã trao đổi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thống nhất, trước mắt thống nhất tạm ngừng đến tháng 6 việc đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp có 50% người lao động gặp khó khăn do tác động của COVID-19, sau đó sẽ tiếp tục xem xét cho tới tháng 12/2020. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nếu hỗ trợ mạnh mẽ nên thực hiện miễn phí công đoàn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH:

Mọi giải pháp từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tự chủ trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp đều nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có sự tham gia của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần nhân lực, thì việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm, quyền lợi của họ. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động hợp tác với trường nghề để chuẩn bị nhân lực cho mình, lúc đó doanh nghiệp sẽ hài lòng. Nếu doanh nghiệp chỉ đứng ngoài để tuyển dụng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển được. Chỉ khi nhà trường và doanh nghiệp cùng có động lực, áp lực thì mới bắt tay hiệu quả được, không thể có hợp tác trên giấy, mang tình hình thức. Hợp tác phải găn với lợi ích. Nếu không có lợi ich, chúng ta không có hợp tác thực chất.

Bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, (VCCI):

Hiện có một số quy định hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đơn cử như quy định người hướng dẫn nghề cho học viên tại doanh nghiệp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ làm khó doanh nghiệp khi tham gia hoạt động này. Cũng ít doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi về thuế. Vì vậy, các bên cần kiến nghị để sửa đổi, thay thế những quy định này trong thời gian tới. Cụ thể, đại diện VCCI kiến nghị, cần tiếp tục sửa đổi các bộ luật liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp…

Thy Hằng thực hiện