Tham nhũng mua thiết bị y tế: Công quỹ đâu phải "chiếc bánh ngon"!
Việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ là những vụ án điển hình, là những bài học răn đe cho những kẻ có ý đồ lợi dụng bệnh dịch để trục lợi.
Mới đây, TP Hải Phòng , tỉnh Quảng Ninh… vừa có văn bản yêu cầu rà soát, thanh tra, làm rõ thủ tục mua sắm thiết bị chống dịch COVID-19, trong đó có máy Realtime PCR.
Động thái này xuất phát từ những lùm xùm của dư luận mấy ngày qua nghi ngại có sự thổi giá, trục lợi ngân sách khi mua thiết bị chống dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) có kết quả điều tra ban đầu về hành vi sai phạm của ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.
Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm phục vụ nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu đã “bắt tay” với CDC Hà Nội và nâng giá lên tới 7 tỷ đồng.
Một thông tin “nóng” không kém so với những gì xảy ra ở CDC Hà Nội đó là tỉnh Quảng Nam mới đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm COVID-19 được mua với giá 7,2 tỷ đồng, con số này cao hơn giá mà CDC Hà Nội.
Khi so sánh với con số 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội bỏ ra thì cái giá Quảng Nam trả cho thiết bị này lên tới 7,2 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Sai phạm tại CDC Hà Nội: Các đối tượng sẽ đối diện mức án nào?
05:20, 25/04/2020
CDC Hà Nội "thổi" giá thiết bị gấp 3 lần: Phải xử lý nghiêm hành vi "ăn chặn" ngân sách
16:45, 23/04/2020
Phát hiện sai phạm tại CDC Hà Nội khi mua thiết bị xét nghiệm COVID-19
16:38, 22/04/2020
Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội liên quan việc mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19
13:45, 17/04/2020
Hải Phòng nói gì về thông tin mua máy xét nghiệm COVID-19 gần 10 tỷ đồng?
14:42, 25/04/2020
Đáng nói ở chỗ, cũng liên quan đến việc mua sắm máy Realtime PCR, một số địa phương cho biết họ mua với giá rất thấp. Có trường hợp như Quảng Trị chỉ mua với giá 1,45 tỉ đồng.
Điều này đang đặt ra nghi vấn liệu CDC Quảng Nam có mua máy xét nghiệm với giá “trên trời”?
Dĩ nhiên, những sự việc trên khiến dư luận bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức của cán bộ, công chức đảm nhiệm công tác phòng, chống COVID-19.
Những sự việc nói trên quả thật đáng buồn! Bởi có lẽ hầu như cán bộ, công chức nào cũng thừa hiểu rằng, chức vụ, quyền hạn mà mình đang nắm giữ thực chất là quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân, quyền lực của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình công tác đã ủy thác, giao cho để tham gia quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công.
Mỗi người trên từng cương vị đã được Nhà nước cấp lương, phụ cấp công vụ và những khoản chi phí sinh hoạt, công tác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh đất nước ta đang trong giai đoạn chống dịch COVID-19 như chống “giặc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng đồng lòng chung sức trong cuộc chiến này. Bên cạnh rất nhiều hình ảnh đẹp, thì việc những con “sâu, mọt” đầu cơ, trục lợi trong việc đấu giá các thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 là điều không thể chấp nhận được.
Phải nói rằng, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi đi ngược lại với quyền lợi của cả dân tộc, lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hành vi này làm ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch, làm hao mòn nguồn ngân sách và gây dư luận xấu trong nhân dân.
Công quỹ đâu phải là chiếc bánh ngon mà người ta nỡ lòng tranh nhau xâu xé, giành giật về phần mình như thế. Tài sản nhà nước, công quỹ không phải tự nhiên mà có, mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là “mồ hôi, nước mắt của đồng bào”.
Mà khi nói đến mồ hôi, nước mắt của đồng bào là nói đến quá trình lao động nhọc nhằn, lam lũ, vất vả, dãi nắng dầm sương, thậm chí có cả những lúc làm việc vất vả, tất tưởi của bao người dân để chung tay góp sức làm nên tài sản, ngân sách nhằm nuôi dưỡng cán bộ, công chức và duy trì hoạt động của bộ máy công quyền các cấp.
Thế nên, nói như Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội thì: “Vụ án này được phát hiện, xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài học để răn đe cho các đối tượng bất chấp đạo đức, bòn rút nguồn ngân sách chống dịch. Trục lợi từ hoạt động mua sắm thiết bị phòng dịch là tội ác, cần phải xử lý nghiêm”.
Dẫu sao, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài ở phía trước và chưa định được ngày kết kết, nên sự việc này nó như gióng lên cho chúng ta bài học về quản lý, tính minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước nói chung và ứng phó với dịch COVID-19 nói riêng.
Vì đâu đó vẫn còn một số người và tập thể đứng ngoài cuộc chiến chung, không lo cái lo của dân, không đau nỗi đau của đồng loại mà dửng dưng, vô cảm, “ăn” trên nỗi đau, mồ hôi nước mắt của đồng bào.