[GIỮ LỬA TRÊN MỌI MẶT TRẬN] Trường Sa những ngày Tháng Tư lịch sử

Minh Huệ 30/04/2020 05:07

Tháng Tư ở Trường Sa thật đặc biệt bởi đây là thời điểm mà những cơn cuồng phong của biển đã lắng dịu, trả lại cho mặt biển một khoảng lặng mênh mông, hiền hòa và dịu êm của biển trời .

Chiến công hiển hách

Dù không nằm trong kế hoạch chiến lược ban đầu của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, nhưng khi thời cơ đến, nhờ nhận định đúng tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy trung ương đã kịp thời kiến nghị Bộ Chính trị cho phép tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa trước sự lăm le nhòm ngó của nước ngoài. 

Từ bức “mật lệnh” của Đại tướng, các lực lượng Quân khu V hải quân, đặc công, đã thần tốc từ đất liền vượt biển khơi bao la, giải phóng hoàn toàn các đảo Trường Sa trước ngày giải phóng Sài Gòn. 

Từ đó đến nay, quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực không ngừng gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quần đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

Chiến sĩ Trương Sa vững tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc (ảnh Trọng Thiết)

Chiến sĩ Trương Sa vững tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc (ảnh Trọng Thiết)

Trao đổi với DĐDN, ông Đào Mạnh Hồng - nguyên trung tá thuộc Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải Quân, một trong những chiến sỹ tham gia trận đánh giải phóng Trường Sa chia sẻ chia sẻ: “Tôi là người chiến sĩ yêu nước, với tôi lúc ra trận thì quên mình cho tổ quốc. Trong tôi kỉ niệm về ký ức của trận đánh đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vẫn nguyên như mới ngày hôm qua".

Ông Hồng kể: "Ngày ấy, tôi là phân đội trưởng chỉ huy đội đặc công số 1 – 126 Hải Quân. Tôi nhớ rất rõ vào khoảng đầu tháng 4/1975, giữa lúc ta thực hiện đợt tổng tiến công giải phóng miền Nam, Bộ tổng tham mưu đã chỉ thị cho lực lượng hải quân giải phóng Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế.

Chỉ thị nhấn mạnh: “Trường Sa là lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Kiên quyết không thể để cho lực lượng nào khác đánh chiếm đảo trước ta...”.

Ông Đào Mạnh Hồng - phân đội trưởng chỉ huy đội đặc công số 2 - 126 HQ 2 người tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa 1975 (ảnh Minh Huệ)

Ông Đào Mạnh Hồng - phân đội trưởng chỉ huy đội đặc công số 2 - 126 HQ 2 người tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa 1975. Ảnh: Minh Huệ

Ngày 23/3/1975, đơn vị Đội 1 Đoàn 126 nhận lệnh hành quân và chỉ 3 ngày sau đã có mặt tại quân cảng Đà Nẵng. Lúc này thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng song để đảm bảo bí mật, đơn vị tập kết tại một điểm ngoại ô. Ngay sau đó, chúng tôi nhận dược mệnh lệnh đặc biệt từ cấp trên: giải phóng quần đảo Trường Sa.

Có lẽ đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được đêm 10/4/1975, từ cảng Tiên Sa, “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc nhổ neo ra khơi. Tàu không lớn, mang cờ hiệu, trên mặt boong chỉ lác đác vài người đi lại như những thủy thủ đánh cá. Đó là các tàu 673, 674, 675 của Đoàn vận tải 125 Hải quân, những con tàu “không số” đã nổi tiếng với “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Trong bụng những con tàu đó chứa gần 300 chiến sĩ Đội 1, Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng tấn đạn dược.

Hoa Bàng Vuông một biểu tượng của Trường Sa vào tháng 4 (ảnh Minh Huệ)

Hoa Bàng Vuông một biểu tượng của Trường Sa vào tháng 4 (ảnh Minh Huệ)

Đội hình tàu 673, 674, 675 vượt sóng xa khơi trong bạt ngàn giông tố. Những đợt sóng lừng vô tận, liên tiếp như muốn vùi dập những con tàu nhỏ bé xuống biển sâu, hất lên cao, rồi lại vùi xuống. Hầu hết anh em đều bị say sóng.

Để bảo đảm bí mật, cán bộ chiến sĩ trên tàu 675 lúc đó phải ẩn giấu trong khoang kín, vừa bị say sóng, vừa thiếu không khí, nên mọi người ai cũng mệt nhoài. Sau 2 ngày hải trình khẩn cấp, ngày 12/4/1975, tàu 675 đến vùng biển đảo Song Tử Tây. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông

    05:00, 24/04/2020

  • Việt Nam lên tiếng vụ Trung Quốc đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông

    16:40, 23/04/2020

  • Một góc nhìn về “lời giải” cho hòa bình trên Biển Đông

    11:00, 21/04/2020

  • Trung Quốc "tạo sóng" ở Biển Đông: Đừng mong “đục nước béo cò”!

    07:12, 16/04/2020

  • Việt Nam luôn theo sát tình hình Biển Đông

    08:02, 15/04/2020

Sau khi cho tàu trinh sát vòng ngoài quanh đảo, xác định rõ vị trí tiến công, những yếu tố bí mật bất ngờ, những khó khăn thuận lợi, 7 giờ sáng ngày 13/4/1975 quân ta đưa tàu vào cách đảo 3 hải lý, rồi quyết định đổ bộ lên đảo là hướng tây nam nơi có bãi cát phẳng và đá san hô. 1 giờ sáng ngày 14/4/1975, lực lượng ta đã đi vào khu vực cách Song Tử Tây 3 hải lý.

Chung một lời thề giữ đảo của các thế hệ trẻ Việt Nam (ảnh Trọng Thiết)

Chung một lời thề giữ đảo của các thế hệ trẻ Việt Nam (ảnh Trọng Thiết)

Ba mũi tiến công tiếp cận đảo do “thả xuồng”- nhận được mệnh lệnh chiến đấu vang lên. Tàu 673 quay mũi về hướng bắc để giữ bí mật, chọn chiều gió, hướng sóng thuận lợi cho đổ bộ.

Tàu 674, 675 ở phía tây và phía bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài.  38 cán bộ, chiến sĩ phân đội 1 bí mật đổ bộ, bí mật bò sát mép đảo, tiếp cận các mục tiêu.

Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của ta tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch. Ta nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy của địch và làm chủ điện đài, cuộc chiến ác liệt diễn ra oanh liệt ngay trên đảo.

Thừa thắng các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên.

Biết không thể cố thủ mãi trong hầm hào công sự, đối phương đã giương cờ trắng xin hàng. Phía đường hào cuối đảo, những khuôn mặt phờ phạc ngơ ngác của kẻ thất trận, cầm cờ trắng, đưa tay lên xin đầu hàng vô điều kiện.

Đi tuần trên đảo Trường Sa (ảnh Trọng Thiết)

Đi tuần trên đảo Trường Sa (ảnh Trọng Thiết)

Trường Sa bất khuất anh hùng

Ngày ấy, bộ đội ta bằng phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, quân ta đánh theo kiểu của mình: bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu.

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 14-4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo.

Tiếp đó, ngày 25-4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất.


Ngay trong ngày 28-4, quân ta trên các đảo, trên các tàu chiến nhận được điện khen: "Quân uỷ Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Sức mạnh tiến công và nổi dậy của chiến trường trọng điểm cùng với sự chi viện to lớn của hậu phương làm cho thế và lực của quân và dân ta lớn mạnh vượt bậc.

Tuyến phòng ngự từ xa của địch đã bị phá vỡ. Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đáo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Các cánh quân lớn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sẵn sàng đi vào trận tiến công hang ổ cuối cùng của địch".

Hoàng hôn trên đảo Trường Sa (ảnh Minh Huệ)

Hoàng hôn trên đảo Trường Sa. Ảnh: Minh Huệ 

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng, nhưng ký ức về trận đánh thì nguyên vẹn như mới hôm qua. Thắng lợi của mũi tiến công thần tốc giải phóng Trường Sa không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Minh Huệ