Huyện nghèo xây tượng đài 14 tỷ đồng và câu chuyện lãng phí
Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đang xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức với kinh phí 14 tỷ đồng.
Gần đây, người dân đi qua tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) có thể dễ dàng nhận thấy một công trình tượng đài khá đồ sộ đang được xây lắp ngổn ngang.
Đó là dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thực hiện.
Để xây dựng công trình rộng khoảng 10 ha này, một quả đồi rộng lớn đã được san phẳng. Nhiều hạng mục dự án đã được thực hiện nhưng chưa hoàn thành, máy móc, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang.
Tượng đài này được khởi công xây dựng từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2020, nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng và thiếu kinh phí nên đến nay vẫn còn ngổn ngang.
Công trình có dự toán ban đầu khoảng 14 tỉ đồng, kinh phí lấy từ ngân sách địa phương.[1]
Ông Nguyễn Quảng - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tượng đài được xây dựng nhằm mục đích giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp địa phương phát triển du lịch.
Cùng với tượng đài, địa phương xây dựng nơi đây thành một tổng thể gồm có công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hóa người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ - Triềng) và khu du lịch tâm linh chùa Yên Sơn gần đó.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn 30a của Chính phủ. 100% xã có đường giao thông nông thôn, 80% có đường phục vụ sản xuất, các công trình điện, đường, trường trạm đã được đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 5 -7%/năm.
Quần thể công trình hoàn thành sẽ là địa điểm để thu hút du lịch, giúp địa phương phát triển kinh tế.[2]
Có thể bạn quan tâm
Vẫn xảy ra lãng phí nguồn lực công
13:45, 22/04/2020
Lãng phí và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
05:00, 02/02/2020
Lãng phí, từ cái nhìn của người dân
05:02, 28/11/2019
Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng
00:00, 16/07/2019
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà, kinh phí xây tượng đài được lấy từ nguồn ngân sách của huyện. Mỗi năm, huyện phân bổ vài tỷ đồng để xây dựng từng hạng mục của công trình.
Năm nay, huyện phân bổ khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng phần tượng đài chính. Ngoài ra, địa phương kêu gọi hơn 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ.
“Tượng đài để tưởng niệm quân và dân huyện Phước Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, đây như là điểm nhấn, nơi du lịch nhằm phát triển kinh tế cho địa phương”, ông Hà nói.
Khi được hỏi, Phước Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng lại xây tượng đài lớn, liệu có lãng phí, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, tượng đài được xây dựng từ nguồn ngân sách tiết kiệm của huyện, chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ 30a của Chính phủ.
“Khi tu bổ tượng đài, huyện đã trình và được UBND tỉnh thông qua”, ông Hà giải thích.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 56%, đến năm 2019 giảm còn 25%. Hiện nay, huyện đã có 100% đường bê tông hóa vào các thôn bản.[3]
Câu hỏi đặt ra: Huyện Phước Sơn xây tượng đài làm gì? Câu trả lời đã được nói ở trên. Đó là nhằm mục đích “giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp địa phương phát triển du lịch”.
Thế nhưng có vẻ như giáo dục truyền thống cách mạng, phát triển du lịch... là một lý do rất quen, luôn mẫu số chung mang tính chất lý do, luôn là lời giải thích về sự cần thiết ở hầu hết các công trình quảng trường, tượng đài.
Cái lý do ấy, khiến cho việc đầu tư xây dựng, phải dùng một chữ là bất chấp: Bất chấp khả năng kinh tế.
Còn nhớ, có lần kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng từng đưa ra ước tính cả nước có khoảng 400 tượng đài với quy mô từ chục tỉ đến vài trăm tỉ, thậm chí, cả những tượng đài ngàn tỉ trong một phong trào kéo dài suốt 15 năm ở khắp các địa phương. Rầm rộ đến mức không tỉnh, thành nào là không có tượng đài. Phong trào đến nỗi có tỉnh còn tị nạnh nhau vì không có tượng đài.
Nói đến tượng đài, không thể không nhắc tới tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến con số 100 tấn đồng đã bị rút ruột, gây thất thoát 2,7 tỉ đồng. 220 tấn mà rút ruột tới 100 tấn. Một kỷ lục kinh khủng.
Nói đến tượng đài, không thể không nhắc đến con số 1.400 tỉ mà một địa phương nghèo hàng năm vẫn xin nhận ngân sách trung ương quyết tâm làm. Lại càng không thể không nói đến tượng đài 1.500 tỉ đang bỏ hoang ở Ninh Bình.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng đã nhìn đúng vấn đề: Việc quyết định chủ trương xây dựng tượng đài thường theo ý chí chủ quan của lãnh đạo, mà không xuất phát từ ý nguyện của cộng đồng và khả năng kinh tế.[4]
Có thể nhận thấy, câu chuyện xây tượng đài lâu lâu lại nóng lên ở một địa phương nào đó và lần này là huyện Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với 75% dân số là người dân tộc Bhnong.
Điều đáng nói, cùng với các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng.
Phước Sơn cũng là huyện nằm trong nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Do đó, việc xây dựng tượng đài 14 tỷ đồng tại huyện này đang khiến dư luận xôn xao, bởi số tiền 14 tỷ thay vì xây tượng đài có thể làm được rất nhiều việc có ích cho một huyện nghèo nhất cả nước.
Hiệu quả của việc xây tượng đài nhằm "giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp địa phương phát triển du lịch" liệu đã được tính toán kỹ lưỡng, những chuyên gia, nhà sử học nào đã vào cuộc để cam kết tính khả thi khi tượng đài được xây xong.
Việc xây dựng tượng tràn lan ở khắp các địa phương đã được cảnh báo không thiết thực, gây lãng phí từ rất lâu. Trước khi bắt tay vào dự án, liệu huyện Phước Sơn có lường trước được có thể địa phương mình cũng sẽ rơi vào tình trạng này.
Và, thay vì xây tượng đài 14 tỷ đồng, cũng với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch, nếu cần sự tư vấn của chuyên gia kinh tế, du lịch, các nhà sử học, tin rằng, huyện Phước Sơn có thể làm được nhiều hoạt động thiết thực hơn, ý nghĩa hơn thay vì dùng toàn bộ 14 tỷ đồng vào xây một tượng đài.
__________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] https://nld.com.vn/thoi-su/quang-nam-huyen-ngheo-dung-tuong-dai-14-ti-dong-20200501140532189.htm
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/huyen-ngheo-o-quang-nam-xay-tuong-dai-chuc-ty-dong-1651162.tpo
[3] https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/huyen-ngheo-o-quang-nam-san-ca-ngon-doi-xay-tuong-dai-14-ty-dong-ar543594.html
[4] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tuong-dai-tuong-nganh-mot-cau-chuyen-buon-802470.ldo