[COVID-19] Bệnh nhân “tái dương tính” không mang virus sống!
Những ca tái dương tính trở lại không có lây nhiễm cho bất cứ người nào, dù một số bệnh nhân đã có tiếp xúc với người thân trong khi về cộng đồng cách ly.
Sáng nay (6/5), Việt Nam đã bước sang ngày thứ 20 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi/cho xuất viện 232 bệnh nhân COVID-19, chiếm 86% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta.
39 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định. Hiện đang có hơn 34.000 người cách ly phòng chống dịch.
Trong thời gian qua, khá nhiều ca “tái dương tính” phải vào viện và được ra viện sau đó. Trước lo ngại của dư luận liệu những trường hợp đó có lây lan ra ngoài cộng đồng hay không? GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam đã có trao đổi cụ thể.
GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích đối với việc phát hiện một số trường hợp kết thúc cách ly tại viện, đã trở về cộng đồng lại bất ngờ dương tính trở lại khi xét nghiệm lần cuối, cần lưu ý một số điểm quan trọng.
Thứ nhất, trong quá trình theo dõi khi quay trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, tất cả những người này đều không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường.
Thứ hai, bản chất của phương pháp xét nghiệm RT-PCR chỉ lấy 1 đoạn mồi để phát hiện gen của virus SARS-CoV-2. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, khoảng 98% trong khi phương pháp xét nghiệm này chỉ phát hiện mật mã di truyền của con virus chứ không thể phát hiện toàn bộ con virus.
Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, muốn phát hiện virus còn hoạt động hay không, chúng ta phải nuôi cấy virus. Hiện nay, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới có thể nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2.
“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ((NIHE) để nuôi cấy virus của những người tái dương tính. Điều đáng mừng là tất cả các trường hợp đều cho kết quả âm tính, tức là virus không hoạt động”, GS Kính nhấn mạnh.
Như vậy, giả thuyết đặt ra là các test dương tính kia đã phát hiện những phần, mảnh của ARN của virus, có thể coi là xác virus trong qúa trình cơ thể thải loại.
GS Kính cho biết thêm, theo dõi về mặt dịch tễ ở cả trong và ngoài nước với những ca tái dương tính trở lại, không phát hiện sự lây nhiễm cho bất cứ người nào, dù một số bệnh nhân đã có tiếp xúc với người thân trong khi về cộng đồng cách ly.
Khẳng định tình trạng bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng có, GS.TS Kính cho rằng, đây là 1 trong những thành phần đáp ứng miễn dịch, kháng thể của cá thể mỗi người, cần nghiên cứu thêm.
"Riêng về y tế công cộng, chúng ta không e ngại gì với ca bệnh tái dương tính" - GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Quang Thái - Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho biết, với các bệnh nhân tái dương tính, ngoài xét nghiệm PCR còn tiến hành thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không, nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không... Đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục.
"Do đó, có thể yên tâm về nguy cơ lây nhiễm từ ca tái dương tính. Tuy nhiên những bệnh nhân sau hồi phục vẫn nên cách ly thêm tại bệnh viện để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học", TS Thái nói.
Trước đó, thông tin về vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, sau khi ghi nhận 9 bệnh nhân COVID-19 tái dương tính trở lại, Viện đã nhận được 5 mẫu bệnh phẩm gửi đến để nuôi cấy lại virus SARS-CoV-2.
Trong số này có 3 mẫu bệnh phẩm gửi từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương của các bệnh nhân 74, 137, 188 và 2 mẫu từ Quảng Ninh chuyển lên của bệnh nhân 52 và 149. “Chúng tôi mới thực hiện nuôi cấy được 3 mẫu nhưng sau 1 tuần nhận thấy virus trong các mẫu này không phát triển”, PGS Mai thông tin.
PGS Mai giải thích, việc virus không phát triển có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, virus rất yếu, không có khả năng nhân lên, không đủ nồng độ lây nhiễm cho tế bào hay khuyếch đại lên tế bào.
"Tế bào của vật chủ là ‘món ăn’ virus thích nhất rồi. Chúng ta có thể tưởng tượng, virus trong cơ thể bệnh nhân tái dương tính như người già yếu, mình mời thịt gà họ cũng không ăn được, không sống được nên không có khả năng lây cho người khác”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai giải thích thêm, virus SARS-CoV-2 muốn lây được sang cho người khác cần có 3 yếu tố: là virus phải khoẻ; phải nhân lên và có nồng độ nhất định; và lây cho người yếu, vì nếu người khoẻ, khi virus vào cơ thể sẽ bị đánh bật và bị tiêu diệt luôn.
Khả năng thứ hai, cũng có thể là xác virus. Theo PGS Mai, đây chỉ là kết quả nuôi cấy lần đầu, Viện sẽ tiếp tục nuôi cấy thêm 2 lần nữa để có khẳng định chính xác.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng lý giải về các trường hợp tái dương tính. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch lý giải đó có thể là xác virus và khi xét nghiệm gen phát hiện được nhưng không chứng tỏ virus đó còn hoạt động.
Còn ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng những trường hợp như vậy nếu có virus thì virus rất yếu, không có nguy cơ làm lây lan bệnh.