WHO: Tái dương tính COVID-19 là một phần của quá trình hồi phục!
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: Việc các bệnh nhân tái dương tính với COVID-19 sau khi khỏi bệnh chỉ là một phần của quá trình hồi phục.
Theo WHO, các bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng xét nghiệm dương tính với virus corona là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm.
Tuyên bố đưa ra sau khi Hàn Quốc gần đây thông báo có 300 trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.
"Hiện tại, dựa trên các dữ liệu gần nhất, chúng ta biết rằng những bệnh nhân này dường như đang thải những gì còn lại trong phổi, như một phần của giai đoạn hồi phục", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của WHO cho biết.
Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với COVID-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm virus corona chủng mới cho người khác hay không.
Trước đó, ngày 6/5, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cũng đã có phân tích cụ thể về những trường hợp tái dương tính với COVID-19.
Theo phân tích, bản chất của phương pháp xét nghiệm RT-PCR chỉ lấy 1 đoạn mồi để phát hiện gen của virus SARS-CoV-2. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, khoảng 98% trong khi phương pháp xét nghiệm này chỉ phát hiện mật mã di truyền của con virus chứ không thể phát hiện toàn bộ con virus.
Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, muốn phát hiện virus còn hoạt động hay không, chúng ta phải nuôi cấy virus. Hiện nay, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới có thể nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2.
“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ((NIHE) để nuôi cấy virus của những người tái dương tính. Điều đáng mừng là tất cả các trường hợp đều cho kết quả âm tính, tức là virus không hoạt động”, GS Kính nhấn mạnh.
Như vậy, giả thuyết đặt ra là các test dương tính kia đã phát hiện những phần, mảnh của ARN của virus, có thể coi là xác virus trong qúa trình cơ thể thải loại.
GS Kính cho biết, theo dõi về mặt dịch tễ ở cả trong và ngoài nước với những ca tái dương tính trở lại, không phát hiện sự lây nhiễm cho bất cứ người nào, dù một số bệnh nhân đã có tiếp xúc với người thân trong khi về cộng đồng cách ly.
Khẳng định tình trạng bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng có, GS.TS Kính cho rằng, đây là 1 trong những thành phần đáp ứng miễn dịch, kháng thể của cá thể mỗi người, cần nghiên cứu thêm.
"Riêng về y tế công cộng, chúng ta không e ngại gì với ca bệnh tái dương tính" - GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Quang Thái - Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho biết, với các bệnh nhân tái dương tính, ngoài xét nghiệm PCR còn tiến hành thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không, nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không...
Đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. "Do đó, có thể yên tâm về nguy cơ lây nhiễm từ ca tái dương tính. Tuy nhiên những bệnh nhân sau hồi phục vẫn nên cách ly thêm tại bệnh viện để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học", TS Thái nói.
Tính đến 6h sáng 7/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 21 không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm đến nay vẫn là 271, trong đó 131 ca từ nước ngoài đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Số trường hợp đã khỏi và ra viện là 232, hiện chỉ còn 39 trường hợp đang điều trị.
Căn cứ tình hình dịch COVID-19 hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm (21 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng), Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản dỡ bỏ quy định giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) từ 0h hôm nay 7/5.
Tuy nhiên Bộ yêu cầu phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng chống COVID-19 như: đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; thực hiện khai báo y tế; hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách...
Ở một diễn biến khác, Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) - đơn vị đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19, cho biết tính tới nay đã tròn 10 ngày tiêm vắcxin thử nghiệm trên chuột. Hiện chuột thí nghiệm khỏe mạnh và tiếp tục được theo dõi đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19: Bàn đạp thúc đẩy tham vọng 5G của Trung Quốc
06:00, 07/05/2020
Hậu cách ly dịch COVID-19, chuyên gia hiến kế giúp doanh nghiệp bảo toàn nhân sự
17:10, 06/05/2020
Việt Nam chủ động ngăn chặn tác động tiêu cực từ COVID-19
11:23, 06/05/2020
[COVID-19] Bệnh nhân “tái dương tính” không mang virus sống!
04:05, 06/05/2020
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói về ba bước trong kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19
02:16, 06/05/2020
10 giải pháp phát triển kinh tế TP. HCM hậu COVID-19
12:02, 05/05/2020