11 ngày thử nghiệm vắc xin “made in Vietnam” ngừa COVID-19: Kết quả khả quan!

Bảo Lam 07/05/2020 11:00

Sau 11 ngày thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế (VABIOTEC) sản xuất, chuột thí nghiệm vẫn khoẻ mạnh.

Một kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế - Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ.

Sau 11 ngày thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế (VABIOTEC) sản xuất, chuột thí nghiệm vẫn khoẻ mạnh.

Trong số khoảng 80 nhà phát triển vắcxin khắp thế giới tiến hành thử vắcxin này trên chuột, có một cái tên Việt Nam: Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế (VABIOTEC), Bộ Y tế.

Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch xảy ra, các nhà nghiên cứu vắcxin của công ty này bắt đầu có ý tưởng nghiên cứu, sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 và điều đó thực sự đến khi những đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân lập được virus corona chủng mới.

Ông Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc VABIOTEC cho biết, tiêm trên chuột được coi là một trong những bước đi đầu tiên của quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sau khi các nhà nghiên cứu "cài" được kháng nguyên virus corona vào vắcxin. 

Sau khi tiêm thử trên chuột, các nghiên cứu viên của công ty đã lấy máu chuột để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá. Dự kiến 2-3 tuần sau sẽ có kết quả.

"Nếu kết quả đánh giá tốt, có đáp ứng miễn dịch, chúng tôi sẽ tham gia dự tuyển vắc xin, sau đó tiến hành các khâu định liều, thử nghiệm trên động vật, trên nhóm nhỏ và nhóm lớn người tình nguyện" - ông Đạt chia sẻ.

Dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Giai đoạn đầu tiên có thể sau 14-15 ngày sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2. Việc theo dõi đoàn chuột được tiến hành sâu sát từng ngày để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn.

Các nhà khoa học mong đợi kháng nguyên của chủng vaccine hoạt động tốt, tức có đáp ứng miễn dịch, sau đó, sẽ xây dựng các bước như quy trình sản xuất. Sau đó, chúng ta sẽ sản xuất ra dự tuyển cho vaccine, đánh giá sâu hơn trên động vật cả về đáp ứng miễn dịch và khả năng phòng vệ và tiến tới sản xuất vaccine hoàn thiện.

Ông Đỗ Tuấn Đạt thông tin, đến nay đã 11 ngày, chuột thí nghiệm khoẻ mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu.

Theo Giám đốc VABIOTEC, công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc xin.

Đối với những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, ông Đạt cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vắc xin, đã sản xuất được vắc xin từ những năm 1960, tuy nhiên đây là lần đầu tiên các nhà phát triển vắc xin Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc xin theo cách thức rất mới và tiếp cận với thế giới, vì thế càng phải cẩn trọng.

Đồng thời, trong quá trình hợp tác với Đại học Bristol, do nước Anh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nên sau khi tạo được kháng nguyên virus SARS-CoV-2, việc tiếp cận, đánh giá về vắc xin giữa hai bên hạn chế, chủ yếu là các trao đổi trực tuyến cũng ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, tại Việt Nam đã có 4 đơn vị cũng đang tiến hành nghiên cứu vắc xin phòng chống COVID-19 nhưng VABIOTECH là đơn vị đầu tiên tiến hành thử nghiệm trên chuột và thu được các kết quả ban đầu rất khả quan.

Với vắc xin ngừa COVID-19, hiện đã có 70-80 nhà sản xuất vắcxin khắp thế giới đang ở giai đoạn tương tự VABIOTEC, tức là đã tiêm thử nghiệm trên chuột, có 8 nhà sản xuất đang tiến hành song song thử trên động vật và thử trên người. Đây là cách làm nhanh, mới và có những yếu tố "mạo hiểm". 

Tuy nhiên, với việc VABIOTEC đã nghiên cứu thành công, sản xuất vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản B, vắcxin viêm gan B, vắcxin ngừa virus cúm gia cầm H5N1, ở lần nghiên cứu này, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào vắc xin ngừa COVID-19 “made in Vietnam” sẽ thành công trong tương lai gần.

Bảo Lam