Ngâm hồ sơ doanh nghiệp: Vẫn chuyện “trên nóng dưới lạnh”!
Chính phủ đã thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, song việc hiện thực hoá bằng hành động cải cách cụ thể của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4/2020 vào ngày 6/5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê bình: “Tôi nắm được thông tin có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất (từ năm 2018 của Sở Tài nguyên chuyển cho Sở Tài chính), nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ. Mà xem xong lại đá qua đá lại, có hồ sơ đá đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này!”.
Thật ra, đây chẳng phải chuyện mới, câu chuyện doanh nghiệp và người dân vướng thủ tục hành chính được phản ánh quá nhiều trong thời gian qua. Nó phần nào phản ánh thực trạng nhũng nhiễu, rườm ra, bất cập liên quan đến thủ tục hành chính… dù cho đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong cải cách hành chính từ Thủ tướng, Chính phủ.
Bằng chứng là trước đó, có chuyện một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội ở TP Hồ Chí Minh gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành.
Nên hồi trung tuần tháng 2 vừa qua, trong Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong đã bức xúc phê bình các lãnh đạo sở, ban ngành “nói là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các đồng chí xem lại hành động coi…”.
“Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn” – Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói.
Khách quan mà nói, thời gian qua, có nhiều tín hiệu tích cực về một Chính phủ quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng văn bản giấy…v..v.
Việt Nam liên tục được Ngân hàng Thế giới đánh giá có sự cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh, nhờ vậy rút ngắn thời gian, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Qua bốn năm (2016-2019), môi trường kinh doanh tăng 5,97 điểm (thể hiện cải thiện chất lượng) và 12 bậc (từ thứ 82 năm 2016 lên thứ 70 năm 2019).
Tuy chất lượng môi trường kinh doanh được cải thiện, song thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc). Điều này thể hiện Việt Nam có cải cách, nhưng còn ít và chậm; trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 với kinh tế thế giới và Việt Nam rất lớn. Là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam chịu tác động cả cầu và cung. Trong đó, thách thức và nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản… Để có thể trụ vững, vượt qua thách thức và phát triển, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đã kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Song song, cả nước đã chuyển sang một trạng thái mới, một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội.
Dĩ nhiên, để khôi phục sản xuất, vực dậy nền kinh tế, thì doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất, vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”.
Do đó, phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội thì chi phí sẽ tăng cao.
Đã đến lúc các bộ, ban ngành, cũng như các địa phương phải coi việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng. Nếu không thì mọi nỗ lực cải cách hành chính cũng chỉ là “trên nóng dưới lạnh” và nó chính là một trong những nguy cơ kéo lùi sự phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thông quan phế liệu nhập khẩu “tắc” vì trên nóng dưới lạnh
12:30, 01/03/2019
Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn “trên nóng dưới lạnh”, “nóng lạnh không đều"
15:01, 05/07/2018
"Trên nóng dưới lạnh" trong việc gỡ “thẻ vàng” từ EC
03:03, 22/06/2018
Còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong bộ máy hành chính các cấp
06:52, 09/02/2018
Doanh nghiệp bị ngâm hồ sơ hỗ trợ, ai chịu trách nhiệm?
08:50, 19/02/2019