Chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp!

Lam Song (tổng hợp) 15/05/2020 11:58

Việt Nam “kiên quyết, kiên trì”, những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp.

Bộ Quốc phòng đã khẳng định như vậy khi giải đáp các thắc mắc của cử tri liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông ĐỘC LẬP

Tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của ta. Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. 

Tình hình Biển Đông đã tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. 

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Theo Bộ Quốc phòng, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta là: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI.

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Đặc biệt là việc giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng về tình hình trên biển; phối hợp cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành TƯ để phối hợp đấu tranh và kịp thời thông tin đến nhân dân.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển.

Cùng với đó, tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ.

Bộ rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển...

Bộ Quốc phòng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông…

Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, ta đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa.

Những nỗ lực đó đã buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của ta; đồng thời, ta kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội.

Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Theo Bộ Quốc phòng, lập trường chính nghĩa, quan điểm đúng đắn, nhất quán, có cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế của ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, quan tâm của các nước khu vực, các nước đối tác lớn và dư luận quốc tế.

Về việc cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài.

Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp...

Dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa với các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc trong thời gian tới, theo Bộ Quốc phòng cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền.

“Kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự nỗ lực và kiên trì của Việt Nam không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Chuyên gia Satnley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế cho rằng: "Tôi nghĩ không chỉ các nước trong khu vực, mà còn ở mức độ qui mô toàn cầu, bao gồm các nước như Anh, Pháp, Đức Mỹ các nước hay Ấn Độ vốn phụ thuộc vào tự do hàng hải cần phải lên tiếng.

Thứ nhất các nước cần phải chỉ trích mạnh mẽ và đừng e ngại khi nói lên những sai trái của Trung Quốc. Thứ hai là khuyến khích sự phải đoàn kết và thống nhất trên một lập trường chung. Và cái quan trọng nhất đó là để cho các nước trong khu vực,đặc biệt là ASEAN, hiểu họ cũng sẽ được hưởng hòa bình nếu có một khu vực Biển Đông ổn định. Do đó cần sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN để giúp giải quyết tốt hơn các thách thức này”.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhấn mạnh: Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Ví dụ Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như tăng cường lực lượng phòng vệ bờ biển với nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản.

Có thể thấy, ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố rõ ràng lập trường của Việt Nam về hành vi phạm pháp của Trung Quốc, rất nhiều các quốc gia bày tỏ quan ngại, phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tiếng nói của dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam có quan điểm, lập trường rõ ràng, ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp chính trị hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý.

Quan điểm của Việt Nam, đồng thời cũng là nhận định chung của cộng đồng quốc tế, cho rằng Biển Đông hiện không nên chỉ hiểu là tranh chấp chủ quyền, tranh chấp tài nguyên giữa các nước ở biển Đông. Đây phải là vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, nơi các quốc gia muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại và phát triển hợp tác hiệu quả. Do đó, việc bảo vệ môi trường biển, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ trật tự luật pháp trên biển nói chung đang là vấn đề đòi hỏi các nỗ lực và giải pháp chung, là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam đối ngoại mềm dẻo nhưng cương quyết!

    11:00, 13/05/2020

  • Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương "cấm đánh bắt cá ở Biển Đông" của Trung Quốc

    11:31, 08/05/2020

  • Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông không có giá trị!

    12:00, 04/05/2020

  • Sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông

    05:00, 24/04/2020

  • Việt Nam lên tiếng vụ Trung Quốc đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông

    16:40, 23/04/2020

  • Một góc nhìn về “lời giải” cho hòa bình trên Biển Đông

    11:00, 21/04/2020

  • Trung Quốc "tạo sóng" ở Biển Đông: Đừng mong “đục nước béo cò”!

    07:12, 16/04/2020

  • Việt Nam luôn theo sát tình hình Biển Đông

    08:02, 15/04/2020

  • Trung Quốc vẫn ngang ngược, phách lối ở Biển Đông

    08:30, 11/04/2020

Lam Song (tổng hợp)